Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Điện Biên trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

 

Cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều tiết nhu cầu của thị trường lao động cũng như hỗ trợ các hoạt động giao dịch việc làm. Thực tế cho thấy trong thời gian gần đây, thị trường lao động luôn lâm vào tình cảnh “lệch pha” về cung - cầu. Nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự trong khi người lao động lại thất nghiệp. Nhất là vấn đề dư thừa sức lao động ở nông thôn nhưng lại thiếu hụt lao động ở các lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung cao cấp… không còn là hiếm.

Thị trường lao động đang bộc lộ nhiều yếu điểm lẫn mâu thuẫn, nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, cũng như năng suất lao động thấp… đây là tình trạng chung của cả nước không chỉ riêng Điện Biên. Nhận thấy nguồn dữ liệu có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ giao dịch việc làm cũng như phục vụ công tác quản lý về lao động, việc làm, hoạch định chính sách và phát triển nguồn nhân lực của địa phương. Trong giai đoạn 2016 -2019, Điện Biên đã cập nhật cơ sở dữ liệu cung lao động của 249.784 hộ (bình quân 62.446 hộ/năm) và cập nhật 1.104 doanh nghiệp (bình quân 276 doanh nghiệp/năm). Năm 2020, dự kiến cập nhật biến động của 62.820 hộ và 300 doanh nghiệp.

Trong 3 năm (2017, 2018, 2019) đã tổ chức 02 Ngày hội việc làm cấp tỉnh và 01 hội chợ việc làm cấp huyện, với 56 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Các Ngày hội, Hội chợ việc làm hằng năm đã thu hút trên 1.500 học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ tham gia. Theo kế hoạch, năm 2020 sẽ tổ chức 01 hội chợ việc làm cấp huyện với khoảng 15 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng trên 1.000 học sinh, sinh viên và người lao động tham gia, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nhưng công tác hỗ trợ giao dịch việc làm vẫn được thực hiện bằng nhiều biệt pháp khác nhau nhằm đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo qui định.

 

Trưởng phòng Phòng Việc làm và An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Điện Biên - Nguyễn Thị Thu Hà

 

Riêng công tác xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động để hỗ trợ giao dịch việc làm được quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Hằng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên đã tổ chức 02 tập huấn nghiệp vụ cập nhật, ghi chép thông tin cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động cho cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và cán bộ văn hóa xã hội cấp xã, một số trưởng thôn bản; đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai việc điều tra, thu thập thông tin cung - cầu lao động; đồng thời kiểm tra, giám sát công tác điều tra, cập nhật, lưu trữ và quản lý dữ liệu cơ sở dữ liệu thị trường lao động theo chỉ đạo của Cục Việc làm, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Đã chỉ đạo Phòng Việc làm - ATLĐ, Trung tâm Giới thiệu việc làm thực hiện nhập tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu cung, cầu lao động, đồng thời đăng nhập kết quả trên hệ thống Cơ sở dữ liệu thị trường lao động Quốc gia.

Về hoạt động phát triển mạng thông tin việc làm, cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người: Năm 2018, thông qua dự án đã trang bị 01 máy chủ và 01 phần mềm window phục vụ cho việc chuyển giao dữ liệu cung - cầu lao động từ Cục Việc làm cho Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh.

Về hoạt động Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; lao động di cư: Năm 2020 Trung ương phân bổ cho tỉnh 200 triệu đồng; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm giới thiệu việc làm xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn; hỗ trợ lao động di cư trong Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm được quy định tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020. Cụ thể: Dự kiến tổ chức 11 buổi nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp cho trên 1.925 học sinh các trường THPT, THPT Dân tộc Nội trú ở các huyện Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Chà, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ; Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư trực tiếp tại gia đình người lao động, trưởng bản và các Văn Phòng Đại diện cho 2.874 người lao động; Giới thiệu việc làm thành công cho trên 50 người lao động là thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn.

Dù việc triển khai cơ sở dữ liệu cung cầu lao động còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc về lực lượng điều tra viên, kinh phí, khai thác sử dụng dữ liệu…dẫn đến chưa có được những cơ sở dữ liệu chuẩn xác phục vụ cho công tác định hướng thị trường lao động. Nhưng các hoạt động nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động để hỗ trợ giao dịch việc làm vẫn được Điện Biên triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có diễn biến khó lường thì cơ sở dữ liệu về thị trường lao động càng đòi cấp thiết hơn bao giờ hết./.

PV