Hoạt động cho vay vốn tại một điểm giao dịch trên địa bàn huyện Tân Kỳ
Qua 10 năm thực hiện Chị thị số 40-CT/TW, kết luận số 06-KT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 của Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị số 31-CT/BTV ngày 06/7/2015 của Ban Thường vụ huyện ủy và Kế hoạch số 102/KH-UBND của Chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Với phương thức “giao dịch tại nhà - giải ngân, thu nợ tại xã”, đến nay Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 285 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các khối xóm trong huyện; đồng thời, tổ chức giao dịch tại 22/22 điểm giao dịch ở các xã, thị trấn. Các tổ giao dịch tại xã được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng bảo đảm an ninh, an toàn cho phiên giao dịch; cung cấp dịch vụ tiết kiệm cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đã thực hiện hơn 99% khối lượng giao dịch ngay tại xã. Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% khối xóm trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Tính đến ngày 30/04/2024, tổng dư nợ đạt 650.671 triệu đồng, có 21 chương trình tín dụng đang thực hiện, với 11.552 hộ vay vốn, vốn vay đã đến tận các khối, xóm trên địa bàn huyện ; Nợ quá hạn vẫn tiếp tục được kiểm soát chặt, nằm ở mức thấp so với trung bình chung của tỉnh. Tổng nợ quá hạn đến 30/04/2024 là 293 triệu đồng, chiếm 0,05%/tổng dư nợ.
Căn cứ Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 29-CT/TU ngày 17/6/2015 của Ban thường vụ Tỉnh về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Ủy ban nhân dân huyện và huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 31-CT/BTV ngày 6/7/2015 của Ban thường vụ huyện ủy và Kế hoạch số 102/KH-UBND của chủ tịch UBND huyện về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Việc huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội được HĐND, UBND Huyện quan tâm. Mặc dù ngân sách huyện còn hạn hẹp nhưng xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách xã hội. Hàng năm UBND Huyện trình HĐND Huyện thông qua kỳ họp HĐND để trích một phần ngân sách chuyển sang NHCSXH huyện nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. UBND Huyện chỉ đạo Ban đại diện HĐQT, NHCSXH huyện thực hiện cho vay đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Trong giai đoạn 2014-2024, UBND Huyện và các xã đã chuyển 4.666 triệu đồng sang NHCSXH huyện để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Huyện, số dư nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH đến ngày 30/04/2024 là 2.820 triệu đồng.
Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Tân Kỹ tiếp tục tăng cường thực hiện hoạt động tín dụng CSXH, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương. Hàng năm, bố trí nguồn vốn ngân sách để cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách khác; tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác cho vay, tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân phối hợp hiệu quả, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật,… nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn hiệu quả, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng./.