Huyện Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái có tổng diện tích tự nhiên là 119.773,36ha, toàn huyện có 13 xã và 01 thị trấn, các xã gồm: Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi, Mồ Dề, Chế Tạo, Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn và thị trấn Mù Cang Chải; bao gồm dân tộc Mông, Kinh, Thái và một số dân tộc khác (khoảng 13 dân tộc cùng chung sống) trong đó chủ yếu là người Mông chiếm gần 91%. 

Trong công tác giảm nghèo, những đối tượng như thanh niên không có việc làm hay những gia đình trẻ luôn được quan tâm tạo điều kiện vươn lên. Gia đình anh Giàng A Vềnh và chị Sùng Thị Trầu xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, từng là hộ nghèo, khi mới ra ở riêng, hai vợ chồng chẳng có gì ngoài mảnh ruộng, mỗi năm 1 vụ không đủ ăn.Khi Mù Cang Chải trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. Gia đình anh Vênh vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải 100 triệu đồng thuộc chương trình giải quyết việc làm để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng.

Với số vốn vay được từ Ngân hàng CSXH, anhGiàng A Vềnh đã đầu tư sửa sang lại nhà để cho khách du lịch thuê. Nhờ nhạy bén và siêng năng trong thực hiện mô hình du lịch cộng đồng đã giúp đồng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy hiệu quả. Lượng khách đến thuê phòng nghỉ ngày càng tăng, mỗi năm gia đình anh Giàng A Vềnh thu nhập khoảng 300 triệu đồng, đời sống kinh tế ngày càng trở nên khá giả.

Mô hình du lịch cộng đồng của gia đình anh Giàng A Vềnh


Anh Giàng A Vềnh chia sẻ: Trước khi thực hiện làm mô hình du lịch tôi cũng đã tìm nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH và được các anh chị trong chính sách hỗ trợ nhiệt tình cho vay cái thời điểm đó là 100 triệu đồng để làm mô hình du lịch này. Hiện tại, mô hình kinh doanh của em cũng khá ổn định, em đã mở rộng thêm 04 phòng khép và 2 căn Bungalow. Hiện tại em đang đón số lượng khách khoảng 40 đến 50 người trên một đêm. Ước tính của em, năm 2026, em sẽ trả hết số tiền vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Anh  Hang A Dỏ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: Với nguồn vay vốn tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách Xã hội, một năm em thu được khoảng trên 400 triệu đồng, tạo được việc làm cho 4 người trong gia đình. Em cảm ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng CSXH đã cho em vay vốn tạo việc làm với mức ưu đãi, vì mức lãi suất rất phù hợp với những người đang muốn khởi nghiệp để phát triển du lịch ở vùng cao như chúng em.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội trao đổi chính sách vay vốn với chị em người dân tộc Mông 


Ông Đỗ Long Thảo, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết: Trong những năm vừa qua thì sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, du lịch tại Yên Bái có những bước phát triển khởi sắc, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Ngân hàng chính sách xã hội cũng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức cho vay đối với những hộ có khả năng bị phát triển du lịch. Ví dụ như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, hộ sản xuất kinh doanh khó khăn thiếu vốn để tổ chức hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế.

Theo thống kê năm 2022, có 9.000 hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm là từ 3 đến 4% tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái.


PV