Chỉ thị 40-CT/TW thể hiện định hướng lớn, lâu dài và chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở Chỉ thị, Kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Chỉ thị, kế hoạch và nhiều Công văn chỉ đạo các Tổ chức Chính trị - xã hội; các huyện; thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Mới đây nhất, Tỉnh ủy Đăk Lăk ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU ngày 30/6/2023 “về tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk” đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Chỉ thị nhấn mạnh: “Xác định hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên triển khai kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 05 năm giai đoạn 2021- 2025; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tại địa phương”…“ Tiếp tục tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách vào Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo thêm nguồn vốn để cho người dân vay, đặc biệt quan tâm nguồn vốn cho vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, với phương châm “ không ai bị bỏ lại phía sau”.

Một trong những kết quả nổi bật của 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đó là việc tập trung nguồn lực tại chỗ của địa phương, nguồn vốn của ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến 31/5/2024, Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 503.107 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 6,37% trên tổng nguồn vốn thực hiện, tăng 68.376 triệu đồng so với cuối năm 2023, tăng 384.000 triệu đồng so với trước khi có Chỉ thị 40 (119.107 triệu đồng). Tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,7%.

Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý và triển khai cho vay 21 chương trình tín dụng chính sách xã hội và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt hơn 14.943 tỷ đồng, với trên 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ đạt gần 10.183 tỷ đồng. Đến 31/5/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 7.871 tỷ đồng, tăng 4.900 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 46 triệu đồng, tăng 28 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đưa vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, tín dụng chính sách xã hội đã phát huy vai trò, hiệu quả, trở thành một trong những chính sách quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030), Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thằng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại huyện Cư M’gar, từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống gia đình, điển hình là gia đình anh Trần Văn Sinh, sinh năm 1991 ở thôn 1 xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, Đăk Lăk. Được biết gia đình ông đã có ý tưởng mô hình chăn nuôi dê lấy thịt và chăn nuôi dê sinh sản nhưng không biết xoay sở vốn như thế nào. Từ thông tin của nhiều người đã được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH, anh đã đến gặp trưởng thôn và tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV) của thôn để xin được tham gia làm thành viên tổ TK&VV và được bình xét công khai thuộc đối tượng được vay vốn để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Ngày 24/12/2022 anh Trần Văn Sinh được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Chính phủ để mua 20 con dê giống và làm chuồng với diện tích hơn 100 m2, với sự cần cù, chịu khó chăm sóc và nuôi dưỡng, hiện nay đàn dê  đã tăng lên được 40 con. Gia đình anh định kỳ bán dê thịt để trang trải chi phí, cộng thêm thu nhập từ bán phụ phẩm khác, kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn do thu nhập dần ổn định. Hàng tháng, nhờ có thu nhập anh Sinh trả lãi đều đặn cho Ngân hàng và dự kiến sẽ trả nợ gốc như đã thỏa thuận. Anh Sinh tâm sự: “ Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH và sự quan tâm của chính quyền địa phương mà kinh tế gia đình ngày một tốt hơn. Mặc khác không phải đi “vay nóng” của tín dụng đen ngoài xã hội nên rất an tâm về tư tưởng, phấn đấu làm ăn, tạo việc làm và tăng thu nhập gia đình”.  


Anh Trần Văn Sinh chăm sóc đàn dê tại cơ sở chăn nuôi dê của mình


Ông Y Hlut Ayun thuộc buôn Sah A, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk do cuộc sống rất khó khăn nên gia đình bàn và thống nhất để ông đi lao động ở nước ngoài nhưng số tiền để thanh toán chi phí quá lớn, gia đình đang túng quẫn không biết vay mượn ở đâu để có thể chi trả được. Rất may, thông qua NHCSXH có chương trình cho vay đi lao động nước ngoài (XKLĐ), năm 2022 ông Y Hlut Ayun đã được vay 99 triệu đồng để đi XKLĐ tại Nhật Bản. Thu nhập hàng tháng hơn 20 triệu đồng, hiện nay ông đã gửi tiền về trả được hơn 100 triệu đồng và giúp đỡ gia đình giảm được khó khăn. Đến nay, gia đình ông có thu nhập ổn định và có điều kiện sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Còn hộ gia đình anh Y Yin Kđoh, dân tộc Ê Đê, buôn Drao, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar cuộc sống vốn rất khó khăn, chi phí để được đi lao động tại nước ngoài đối với anh là quá lớn nhưng nhờ từ nguồn vốn vay chương trình xuất khẩu lao động mà tháng 6 năm 2021 anh đã được NHCSXH huyện Cư Mgar cho vay số tiền 90 triệu đồng để có đủ chi phí đi làm việc tại Nhật Bản, với công việc làm công nhân làm nông nghiệp, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay thu nhập của anh Y Yin Kđoh từ 19 - 20 triệu đồng/tháng, số tiền trên giúp anh đảm bảo được cuộc sống bản thân và còn có tích lũy tiền gửi về cho gia đình để trang trải cuộc sống ở quê nhà, trong thời gian đi lao động, anh đã gửi 75 triệu đồng về cho gia đình để trả nợ món vay theo đúng phân kỳ trên hợp đồng vay vốn.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Lê Mai  ở thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư Mgar, một trong những hộ được tiếp cận vốn vay ưu đãi. Anh Mai hiện đang công tác tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Cư M’gar, vợ anh cũng là giáo viên, gia đình anh có 2 con nhỏ. Anh Mai cho hay: “Do thu nhập của gia đình thấp nên không đủ tiền xây nhà. Khi được thông tin về chương trình vay nhà ở xã hội, tôi tìm hiểu và được cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn làm hồ sơ rất nhiệt tình. Kết quả là tôi được vay 500 triệu đồng để làm nhà từ tháng 8 năm 2023, thời gian vay 22 năm, hình thức trả giống với trả góp. Giờ gia đình tôi đã có nhà, với diện tích 110 m², mỗi tháng tôi chỉ trả cả gốc lẫn lãi 4 triệu đồng”.

Hiệu quả từ một chính sách

Với tinh thần của Chỉ thị 40-CT/TW, nhiều cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã phần nào được “gỡ khó” từ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Cũng như nhiều cơ sở mầm non tư thục khác, dịch COVID-19 đã để lại những tổn thất về kinh tế cho chủ trường mầm non Tuổi Hoa, xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk với ước tính thiệt hại vật chất gần 250 triệu đồng. Ông Phạm Hữu Sinh, chủ trường mầm non Tuổi Hoa ở xã Ea Tar, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk được vay 100 triệu đồng từ tháng 8 năm 2022 tại NHCSXH huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Với số tiền này, ông đã dùng vào việc sữa chữa mái che, lát gạch, mua sắm lại vật dụng tại khu vui chơi cho trẻ. Ông Sinh cho biết: “Nhờ số tiền được vay theo Nghị quyết 11 đã tạo điều kiện cho cơ sở mua sắm, sữa chữa lại khu vui chơi cho trẻ và quan trọng hơn là cơ sở đã hoạt động ổn định trở lại phục vụ nhu cầu của xã hội. Cũng giống như tôi, các trường mầm non và các cơ sở mầm non được tiếp cận với nguồn vốn chính sách ưu đãi theo Nghị quyết 11 đã phục hồi kinh tế và đi vào ổn định. Tôi cho rằng, đây là một chính sách có nhiều ưu việt, nhân văn của Đảng, Nhà nước với lãi suất thấp, thời gian vay lâu đã tiếp thêm sức mạnh, giúp các cơ sở mầm non ngoài công lập vượt qua khó khăn sớm phục hồi, phát triển, đóng góp chung vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Các cháu thiếu nhi tại lễ khai giảng  năm học 2022 – 2023 trường mầm non Tuổi Hoa xã Eatar,
huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk sau khi được phục hồi hoạt động trở lại


Huyện Lăk là một huyện còn nghèo của tỉnh Đăk Lăk, cách Thành phố Buôn Ma Thu khoảng 50 km, có những xã thuộc vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới CamPuchia, nhiều hộ nghèo, khó khăn rất phấn khởi khi được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách xã hội. Điển hình như hộ gia đình bà Lò Thị Kim Nguyệt sinh năm 1972 ở Buôn Krái, xã Nam Ka là xã vùng xa của huyện , những năm 2020  trở về trước gia đình bà thuộc hộ cận nghèo, gia đình gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để phát triển kinh tế. Năm 2021, nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của Hội LHPN nữ và Tổ tiết kiệm và vay vốn của Buôn, gia đình bà được vay số tiền 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện. Với số vốn được vay này cộng thêm ít vốn tích lũy, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư vào trồng dâu nuôi tằm nhả tơ tại nhà. Với bản chất siêng năng, cần cù, chịu khó, mô hình của chị đã đem lại hiệu quả cao, hiện tại thu nhập hàng năm từ mô hình này trừ các khoản chi phí thu về hơn 150 triệu/năm. Không những vậy, bà còn hỗ trợ, nhân rộng mô hình này đến chị em trong buôn đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng cây dâu và nuôi con tằm và thu kén. Đến thời điểm hiện tại trong Buôn của bà đã có 23 chị em cũng được vay vốn từ NHCSXH và tham gia trồng dâu nuôi tằm như bà, một mặt giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đồng thời phát triển nghề “Trồng dâu nuôi Tằm” trong Buôn. Bà Nguyệt phấn khởi chia sẻ: “Với việc sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả đã giúp cho gia đình tôi nói riêng cũng như các hộ gia đình khác ở xã Nam Ka không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên phát triển kinh tế, góp phần xây dựng Nông thôn mới trên quê hương”.


Bà Lò Thị Kim Nguyệt chăm sóc lứa tằm của gia đình bằng vốn vay NHCSXH


Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Năm 2022 và năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế người dân. Việc NHCSXH tỉnh Đăk Lăk thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là trong hai năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và an ninh chính trị tại địa phương.

Tổng dư nợ đến ngày 31/5/2024 đạt 7.871 tỷ đồng, tăng 4.900 tỷ đồng so năm 2014, với hơn 169 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ,  Năm 2023 được ghi nhận là năm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất, đạt 16,2%. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác tăng hằng năm, Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách của tỉnh, các huyện ủy thác qua NHCSXH tỉnh đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đến 31/5/2024, Nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 503.107 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 6,37% trên tổng nguồn vốn thực hiện, tăng 68.376 triệu đồng so với cuối năm 2023, tăng 384.000 triệu đồng (tăng 322,39%) so với trước khi có Chỉ thị 40 (119.107 triệu đồng). Tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15,7%.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, NHCSXH tỉnh Đăk Lăk tiếp tục quán triệt sâu rộng, tham mưu các Cấp ủy, Chính quyền địa phương đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham mưu  bổ sung nguồn vốn ngân sách ủy thác cho NHCSXH tỉnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chủ động tham mưu đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phù hợp với giai đoạn mới”. 
  

Vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH tỉnh Đăk Lăk đã giúp hơn 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 184/184 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, tổ dân phố, giúp gần 111 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 40 nghìn lao động (436 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho gần 8 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 230 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 7 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, gần 66 nghìn hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng gần 445 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP, hơn 4,8 nghìn hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn. Góp phần hoàn thành 78 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,83% năm 2016 xuống còn 6,34% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) và xuống còn 9,15% cuối năm 2023 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025). 










VÕ NGUYÊN HÃN