Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của
nền kinh tế và doanh nghiệp (ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn)


Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Quy mô, tiềm lực nền kinh tế được tăng cường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập, đời sống người dân được nâng lên.

Trong quá trình phát triển đất nước, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Vì vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam như: Tổ chức mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách khu vực tài chính ngân hàng, ưu tiên dòng vốn vào các lĩnh vực có năng suất cao hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…

Để góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10/2020; xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 6/2020. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 8/2020; khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất, tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO; xây dựng và triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế… đảm bảo mục tiêu Việt Nam trở thành 1 trong 6 Trung tâm xuất sắc về năng suất của APO trong năm 2020. 

Theo ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tổ chức Năng suất châu Á đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy nâng cao năng suất dựa trên việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất, công cụ khoa học và công nghệ; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng tham gia vào các công đoạn, giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng; thúc đẩy năng suất vĩ mô thông qua phát triển lực lượng lao động có trình độ… Những hỗ hợ của Tổ chức Năng suất châu Á sẽ góp phần đạt mục tiêu Việt Nam là 1 trong 6 Trung tâm xuất sắc về năng suất của APO trong năm nay./.

 

Hoàng Long