Lao động, việc làm lao đao vì COVID-19
Việc duy trì sản xuất của nhiều doanh nghiệp do ảnh hưởng của COVID-19
là cả nỗ lực lớn (Ảnh: HNV)
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh cho hay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến thị trường lao động lao đao và tỷ lệ mất việc làm gia tăng đáng kể. Cụ thể, Báo cáo của Tổng cục Thống kê nêu rõ, dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động, việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ảnh hưởng rõ rệt nhất vào quý II năm 2020 khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng xuất hiện và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để trong tháng 4/2020.
Cụ thể, tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế). Đáng chú ý, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch COVID-19.
Không những thế, khảo sát điều tra và tổng hợp cũng đánh giá lao động có việc làm giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua, cụ thể: lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II năm 2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với quý trước và giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm nhiều nhất trong vòng 10 năm qua.
Lao động có việc làm trong quý II/2020 giảm tương ứng so với mức giảm của lực lượng lao động. Điều này cho thấy, dịch COVID-19 đã làm cho đa số người lao động mất việc phải tạm thời rời khỏi thị trường lao động trong thời gian dịch bệnh lây lan, đặc biệt là trong tháng 4/2020 khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm túc và triệt để. Hơn nữa, thiếu việc làm trong độ tuổi quý II năm 2020 là 1,4 triệu người, tăng 292 nghìn người so với quý trước và tăng 648,4 nghìn người so với cùng kỳ 2019.
Thêm vào đó, thu nhập bình quân tháng của lao động giảm, là năm đầu tiên ghi nhận mức giảm thu nhập trong vòng 5 năm qua, trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động quý II/2020 đạt 5,2 triệu đồng, giảm 525 nghìn đồng so với quý trước và giảm 279 nghìn đồng so với cùng kỳ 2019. Đây là năm đầu tiên thu nhập của lao động trong quý II giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 năm qua (giảm 5,1%).
Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua; tỷ lệ người lao động không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên, gồm có: số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là gần 1,3 triệu người, tăng 192,8 nghìn người so với quý I và tăng 221 nghìn người so với cùng kỳ 2019.
Tính chung 6 tháng qua, lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp; Lao động có việc làm giảm mạnh so với 6 tháng đầu năm 2019; Thu nhập của người lao động giảm và thất nghiệp tăng lên biểu hiện ở con số, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 123,9 nghìn người so với cùng kỳ 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 2,47%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ 2019.
Trong khi đó, thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ, chỉ tính riêng tại Hà Nội kể từ Tết Nguyên đán cho đến nay đã có 10.000 trường hợp khai báo hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), qua báo cáo nhanh của 22/63 tỉnh/thành phố, đến gần giữa tháng 2, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động bị mất việc do ảnh hưởng của dịch bệnh là 1.027 người; chủ yếu rơi vào ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (365 người, chiếm 35,5%) và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (106 người, chiếm 10,3%). Số người mất việc làm còn lại rải rác ở một số ngành khác.
Rõ ràng, dịch COVID-19 đang tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề, trong đó các lao động phổ thông và lao động làm việc trực tiếp bị ảnh hưởng không nhỏ. Thách thức này đòi hỏi ngành đào tạo nhân lực phải làm sao đào tạo ra những lao động đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Hướng đi nào?
Những doanh nghiệp chủ động đổi mới phương thức sản xuất vẫn duy trì
hoạt động sản xuất (Ảnh: HNV)
Dự báo, dịch COVID-19 khiến nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành nghề trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cho thấy nếu người lao động, doanh nghiệp biết đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin thì có thể dễ dàng thích ứng với nhu cầu của xã hội cũng như tình hình dịch bệnh.
Dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho biết sẽ có khoảng 49% công việc hiện nay sẽ biến mất trong 20 năm tới. Những ngành nghề đang phát triển trong thời điểm hiện tại chưa chắc được lựa chọn trong tương lai. Bởi vậy, có thể thấy dịch COVID-19 chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động thay đổi suy nghĩ, cách thức làm việc để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế.
Song song là thực hiện nghiêm túc, quyết liệt một số giải pháp mà Đảng, Chính phủ đã yêu cầu tập trung xử lý, trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19 trong năm 2020. Song song là tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội để dồn nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Thêm vào đó, bối cảnh hiện nay đòi hỏi cả nước vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; nhanh chóng đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, giải quyết vướng mắc trong thủ tục hành chính, đẩy nhanh thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Từ đó, tạo ra nhiều việc làm cho nhiều lao động đang gặp khó hiện nay.
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại, trong đó có cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, cũng có nhiều DN đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới. Do đó, về lâu dài, sau khi dịch bệnh kết thúc, doanh nghiệp cũng như nền kinh tế cần một chiến lược đào tạo lao động phù hợp, thích ứng tốt với những biến động phức tạp không lường trước. Phân tích về điều này, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nhận định, trong điều kiện dịch bệnh và sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại lực lượng lao động, dẫn tới một bộ phận lao động bị mất việc làm.
Tương tự, theo Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế đã khuyến cáo, để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Theo đó, đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành khoảng 3-5 ngàn tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động. Dự kiến, sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại. Về phương thức thực hiện, sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn với các hoạt động sản xuất trực tiếp, đồng thời doanh nghiệp sẽ trực tiếp cấp chứng nhận.
Chừng nào COVID-19 chưa ngừng lây lan thì việc làm của người lao động còn bị ảnh hưởng và sẽ càng nặng nề hơn – hiện đang là vấn đề đau đầu của cả doanh nghiệp, chính phủ và người lao động. Tuy nhiên, điều đáng mừng là COVID-19 cho thấy sự đồng lòng của toàn dân cùng với Chính phủ chống dịch và vì thế, chúng ta tin tưởng vào kết quả của sự đồng lòng ấy, sẽ vượt qua khó khăn mà dịch bệnh gây ra, nhất là việc làm và lao động sẽ nhanh chóng trở lại nhịp bình thường rồi tăng tốc./.