Đại diện 103 thực tập sinh, người lao động tỉnh Vĩnh Long làm lễ trước khi
xuất cảnh sang làm việc tại Nhật Bàn. Ảnh: C. Hạnh
Theo Cục Quản lý người lao động ngoài nước, tính đến tháng 10/2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 132.802 người, vượt 10 % chỉ tiêu kế hoạch năm 2019. Thị trường đưa người lao động đi làm việc chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia… Trong năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đẩy mạnh; đã tiến hành thanh, kiểm tra tại 27 doanh nghiệp, xử phạt 21 doanh nghiệp, kiến nghị thu hồi giấy phép một doanh nghiệp.
Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Tuy nhiên, kết quả đạt được không đồng đều giữa các địa phương và còn hạn chế so với khu vực khác. Tính đến hết tháng 10/2019, toàn vùng có 7.953 người đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long đưa trên 1.000 người tham gia, các tỉnh còn lại đều đạt dưới 1.000 người.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác đưa người lao động ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đi làm việc tại thị trường ngoài nước còn khó khăn do người lao động trong khu vực có tâm lý ngại thay đổi, không muốn xa gia đình. Chất lượng lao động trong khu vực chưa cao, tinh thần kỷ luật và tác phong làm việc còn hạn chế, thiếu kinh phí để tham gia. Một số địa phương chưa quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động…
Các đại biểu đề xuất, trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách phù hợp tình hình thực tế các địa phương. Cục Quản lý lao động ngoài nước hỗ trợ cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, thị trường tiếp nhận để các địa phương triển khai tuyên truyền, tư vấn cho người lao động. Các trường dạy nghề phối hợp với địa phương để đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng tham gia hoạt động này.
Tại ĐBSCL hiện nay lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồi dào, rất khát khao tham gia chương trình xuất khẩu lao động để thay đổi đời sống, người lao động ở khu vực này có tính cách thật thà, hòa đồng, thân thiện, được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao. Ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: Để người dân có thông tin, xóa bỏ nghi ngại về xuất khẩu lao động, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long mất 2 năm để tham mưu, thuyết phục Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân ra được Nghị quyết về công tác này. Nghị quyết giao hẳn chỉ tiêu giải quyết việc làm cho từng huyện, từ tháng 10/2019 đã chốt chỉ tiêu cho cho 2020, vì thế mà có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tạo ra kết quả đột phá. Công tác đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh năm 2018 - 2019.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, các địa phương cần tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả của công tác xuất khẩu lao động đến người dân; đa dạng hóa thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào thị trường phù hợp với khả năng và trình độ của người lao động trong vùng
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, kiên quyết xử lý hoặc đề xuất ngành chức năng xử lý trường hợp tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn lợi dụng để thông tin, tuyển gọi, đào tạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Đặc biệt làm tốt công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương trong việc công khai, minh bạch về nhu cầu hợp đồng lao động; thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Ngoài ra, phối hợp với địa phương, các trường dạy nghề trong công tác đào tạo, hỗ trợ chính sách để người lao động tham gia làm việc ở nước ngoài./.