(ĐCSVN) -Đây là thông tin được đưa ra trong khuôn khổDiễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, tại Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: QN-LA


Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam tập trung vào 4 nội dung: Phòng ngừa rủi ro (chính sách thúc đẩy tạo việc làm, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, giảm nghèo bền vững ...); giảm thiểu rủi ro (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); khắc phục rủi ro (chính sách hỗ trợ khi thiên tai, dịch bệnh, ...) và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản (nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch...).

Hệ thống an sinh xã hội với vai trò là giá đỡ cho thị trường lao động, ngày càng được mở rộng, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia tăng đều hàng năm: Tính đến hết tháng 9/2022, đã có trên 17,08 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 37,01% lực lượng lao động trong độ tuổi; có trên 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt hơn 30% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, thận trọng và trách nhiệm các chính sách; trong đó phải kể đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Nêu cụ thể, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, các chính sách về bảo hiểm xã hội hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn như: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, giảm mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề với các đối tượng bởi dịch COVID-19 được triển khai thực hiện trong năm 2020 và 2021.

Riêng năm 2021, tổng kinh phí hỗ trợ 03 chính sách về bảo hiểm theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 126/NQ-CP là khoảng gần 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 400 nghìn đơn vị sử dụng lao động và gần 12 triệu người lao động.

Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.334.207 lao động. Ảnh: MH


Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ trực tiếp người lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.334.207 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ với tổng số tiền chi trả hơn 31.836 tỷ đồng.

Ngoài ra, đối với nhiều người lao động không thuộc diện hưởng các chế độ an sinh xã hội theo quy định hiện hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời xây dựng và ban hành các chính sách (Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68) để bổ sung, hỗ trợ kịp thời mọi người dân bị rủi ro với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, từ năm 2021 đến nay, trung ương và các địa phương đã dành tổng kinh phí hơn 87 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 55,68 triệu lượt người dân, người lao động và gần 01 triệu lượt người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, trước tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, tính đến ngày 01/12/2022, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cấp 10.802,88 tấn gạo cứu đói cho 200.761 hộ với 720.192 nhân khẩu.

“Những kết quả đạt được như trên khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta trong công tác chăm lo chính sách xã hội”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh./.


PV