Những năm qua, Phú Thọ tập trung nhiều giải pháp trong công tác giải quyết việc làm, từ đó, số lao động được giải quyết việc làm đều tăng lên đáng kể góp phần gia tăng thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt. Bằng các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm nên các chỉ tiêu trong lĩnh vực này cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm, sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, xuất khẩu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo với cơ cấu ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thực tế...

Ảnh mình họa (Nguồn:báo Phú Thọ)


Đến nay, chương trình giải quyết việc làm đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người lao động; nhận thức, năng lực, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người lao động về công tác giải quyết việc làm, tự tạo việc làm được nâng lên; đã xác định được giải quyết việc làm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Khép lại năm 2018, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho 16.347 người (đạt 102,2% kế hoạch năm), xuất khẩu lao động đạt 3.420 người (đạt 136% kế hoạch); tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo và truyền nghề đạt 63,5%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%.

Ngay từ đầu năm 2019, Phú Thọ đã triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp an tâm đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền tăng cường công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về việc làm. Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người lao động, triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề. Trên cơ sở Chương trình Quốc gia về giải quyết việc làm, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển chương trình giải quyết việc làm của từng huyện, thành, thị, trong đó gắn kết chương trình giải quyết việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, phát triển và đa dạng hóa các ngành nghề dịch vụ...

Tiếp đến, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn thu ngoại tệ, Phú Thọ còn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Sở Lao động – TBXH đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành các quyết định về quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các quy định về xuất khẩu lao động, khắc phục những vi phạm, bảo vệ lợi ích người lao động và doanh nghiệp; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương để triển khai chương trình, đề án của tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả điều tra cung – cầu lao động, Sở Lao động – TBXH Phú Thọ đã phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và hệ thống loa truyền thanh các xã về nhu cầu cần tuyển lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển số lượng lao động lớn như Samsung, Canon, LG…; đồng thời, cung cấp thông tin về nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để có cơ sở tập trung triển khai hoạt động tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh./.

 

Nhóm PV