(ĐCSVN)-Xác định nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện phát triển đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản là thể lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Năng suất lao động có xu hướng ngày càng tăng, bằng 76% mức trung bình của cả nước, đứng thứ 4 trong khu vực trung du và miền núi Bắc bộ.
Giờ thực hành sửa chữa ô tôtại Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ
Động lực từ cơ chế, chính sáchTrong thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều Quyết định quan trọng như: Quyết định số 1184/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục các ngành thuộc các trường đại học cần tuyển dụng theo quy định ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác năm 2017 - 2018; Kế hoạch số 316/KH-UBND về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 316/KH-UBND về đào tạo nghề cho giai đoạn nông thôn giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đô thị đối với các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp; Quyết định số 07/2017/QĐ-UBND về việc quy định ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác…
Trong 5 năm qua, tỉnh đã tập trung ưu tiên bố trí 796,6 tỷ đồng/năm cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, đào tào chiếm 57%; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chiếm 43%. Tổng số nhân lực đào tạo mới đạt 238,8 nghìn người, bình quân mỗi năm 47,7 nghìn người; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, công nhân kỹ thuật 23,6 nghìn lượt người.
Với những cơ chế, chính sách trên, nguồn nhân lực của tỉnh có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 1,6%/năm và tăng dần qua các năm. Cơ cấu lao động có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ đã góp phần nâng chỉ số chung của tỉnh lên vị trí thứ 2 trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp khá đã được thu hút và phát huy hiệu quả lao động cao ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, dịch vụ và xuất khẩu lao động. Đội ngũ doanh nhân ngày càng tăng về số lượng và cải thiện về kiến thức, kỹ năng kinh doanh, từng bước tiếp cận trình độ quốc tế.
Sắp xếp, đổi mới hoạt động mạng lưới cơ sở đào tạo
Phú Thọ cũng đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, các cơ sở đã đổi mới theo hướng gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề, để sinh viên, học viên tiếp cận thực tiễn sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, kết hợp học lý thuyết với thực hành, nâng cao trình độ tay nghề.
Tiến sĩ Đỗ Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Với phương châm “Tuyển sinh gắn với tuyển dụng” và các cam kết mạnh mẽ của nhà trường với người học, với xã hội, trường đồng thời đẩy mạnh hoạt động ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Đến nay, nhà trường đã có mối quan hệ với hơn 30 Tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như VinGroup, SunGroup, Sông Hồng Thủ đô.
“Trong năm 2020, các doanh nghiệp, đối tác của nhà trường tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng rất lớn và đã đặt hàng sinh viên sau tốt nghiệp với hàng nghìn vị trí việc làm có thu nhập hấp dẫn dành cho sinh viên đang theo học ở tất cả các khối ngành mà nhà trường đang đào tạo” - ông Đỗ Tùng cho biết thêm.
Xác định đào tạo phải theo nhu cầu sử dụng của xã hội, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn, Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ đã thành lập bộ phận theo dõi và liên hệ với các cơ quan, doanh nghiệp để nắm bắt yêu cầu về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng. Từ đó, có sự điều chỉnh về nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Ngoài ra, Trường còn liên kết để tổ chức cho học sinh, sinh viên đến thực hành tại các doanh nghiệp (cả trong và ngoài tỉnh) như: Công ty Lilama 69-3; Công ty cổ phần Tập đoàn Flamingo; Công ty TNHH Yasaki Hải Phòng; Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Lô; Công ty cổ phần Điện nước ATĐ Hà Nội; Công ty Điện tử Việt Nhật…
Nhờ những đổi mới trong phương pháp đào tạo, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm đạt trên 90% với mức thu nhập trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, trong đó học sinh, sinh viên làm đúng ngành nghề đào tạo đạt trên 75%. Học sinh, sinh viên của nhà trường được đánh giá cơ bản có ý thức, thái độ tốt và kiến thức chuyên môn, tay nghề đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Với việc chủ động đổi mới trong liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong công tác quản lý đào tạo, biên soạn giáo trình, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để tìm hiểu và đào tạo theo nhu cầu của thị trường… đã bước đầu mang lại hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. 85% lao động có việc làm sau đào tạo đã góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, giúp người nông dân chuyển đổi ngành nghề, tạo nghề mới phát triển kinh tế và tăng thu nhập.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo dự báo, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo, Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư tác động tích cực đến lao động (hằng năm có khoảng 18 - 19.000 việc làm mới), trong đó những ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Bên cạnh đó, giai đoạn tới Phú Thọ tiếp tục tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, quan tâm thu hút các tập doanh kinh tế lớn, nhà đầu tư chuỗi và khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững để trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có kiến thức, có kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh cần có sự thay đổi căn bản về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới, sáng tạo trong tư duy.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là lĩnh vực mũi nhọn của Trường Đại học Hùng Vương |
Trong bối cảnh đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển nhân lực phải có trọng tâm, trọng điểm, nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp chế biến, chế tạo; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Đồng thời chú trọng phát triển nhân tài, lấy giáo dục phổ thông, đào tạo nghề làm nền tảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững.
Bà Phạm Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thu thập, xây dựng hệ thống thông tin cung - cầu lao động trên đại bàn tỉnh nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu lao động để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn kết các cơ sở giáo dục hướng nghiệp với doanh nghiệp, mở rộng hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung rà soát, đổi mới hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, củng cố đội ngũ nhà giáo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng nghề và đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo. Tập trung đào tạo các ngành nghề mũi nhọn, có thương hiệu của từng trường, các ngành nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành nghề doanh nghiệp, xã hội cần. Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng thị trường lao động.