Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2022 vừa qua, đơn vị này đã thực hiện chính sách trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho hơn 10.500 người lao động với số tiền trên 212 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 1,9 tỷ đồng.

Dự báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2/2023


Hoạt động tuyên truyền phổ biến chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn được trung tâm tổ chức thường xuyên thông qua các hội nghị tư vấn, hoạt động của sàn giao dịch việc làm định kỳ và các phiên lưu động tại xã, phường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, truyền thông qua mạng xã hội facebook, zalo…

Theo đánh giá của trung tâm, việc kết hợp lồng ghép giữa hoạt động tuyên truyền về bảo hiểm thất nghiệp với các hoạt động tuyên truyền về chính sách sách pháp luật đã góp phần nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động về chính sách này.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội, trợ giúp hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong thời gian đơn vị này sẽ tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến những thay đổi trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến doanh nghiệp và người lao động.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ làm công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp...

Bên cạnh thực hiện kịp thời, đẩy đủ các chế độ về bảo hiểm thất nghiệp, trung tâm cũng đồng thời triển khai các hoạt động kết nối giải quyết việc làm cho người lao động.

Kết quả, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 29 phiên giao dịch việc làm với 232 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia, nhu cầu tuyển 14.881 người; 2.534 lượt người đăng ký tìm việc làm tại các phiên giao dịch việc làm; số người đạt sơ tuyển tại sàn 1.678 người. Ký hợp đồng cung ứng lao động với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa và Nam Định.



Năm 2023, ngay sau nghỉ Tết Nguyên đán 2023, đơn vị đã tiếp nhận nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng của các doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề như: may mặc, giày da, kỹ thuật điện, cơ khí... Vĩnh Phúc hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 126.000 lao động, trong đó, hơn 40% lao động ngoại tỉnh.

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2/2023. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò cầu nối hỗ trợ giữa doanh nghiệp và người lao động, trung tâm sẽ tiếp tục duy trì tốt các phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa hình thức tổ chức sàn giao dịch việc làm bằng việc bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch định kỳ, phiên giao dịch online thông thường, đã đẩy mạnh hoạt động tổ chức phiên giao dịch online kết nối với các tỉnh lân cận.

Trong năm 2022, Vĩnh Phúc cũng là địa phương thường xuyên có hoạt động kết nối việc làm online với các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là khu vực Hà Nội.

Cùng với đó, tăng cường đăng tải, cập nhật thông tin về chỗ làm việc trống, vị trí cần tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp. Tăng cường kết nối để mở rộng nguồn cung lao động trong tỉnh; khảo sát nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp, để nắm thông tin về số lượng, cơ cấu, kế hoạch tuyển lao động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, ký kết hợp đồng cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được đẩy mạnh; đổi mới hoạt động các hình thức thông tin thị trường lao động nhằm phục vụ người lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia.

Hiện trung tâm đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và ngành chức năng bám sát tình hình sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn, làm tốt công tác dự báo tình hình sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động để mở rộng kênh kết nối cung - cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động./.

PV