Trong thực tế, thị trường lao động ngày càng trở nên năng động hơn, người lao động
có nhiều cơ hội lựa chọn công việc hơn. (Ảnh: HNV)
Theo Báo cáo Tình hình lao động việc làm quý IV và cả năm 2019 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động trong nền kinh tế tiếp tục gia tăng, góp phần bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy vậy, lực lượng lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên còn thấp, chỉ chiếm 22,8%.
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản nhưng tăng trong khu vực công nghiệp và dịch vụ và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua kể từ 2015 trở lại đây. Năm 2019 là năm đầu tiên tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống thứ hai sau khu vực dịch vụ.
Tín hiệu tích cực, lạc quan
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý IV/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước đạt 56,1 triệu người, tăng 472,2 nghìn người so với quý trước và tăng 501,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý IV năm 2019 ước tính đạt 49,4 triệu người, tăng 278,7 nghìn người so với quý trước và tăng 442,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số người tham gia lực lượng lao động của quý 4/2019, có 13,2 triệu người đã được đào tạo có bằng, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) tăng 480,3 nghìn người so với quý III. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 41,3%, cao hơn gần 3 lần khu vực nông thôn.
Lao động có việc làm tiếp tục tăng, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh, tuy nhiên, công việc đòi hỏi kỹ năng còn hạn chế, lao động làm khu vực tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn chiếm tỷ lệ tương đối cao. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng trong công nghiệp và dịch vụ. Ước tính quý IV, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18,6 triệu người; trong khu vực dịch vụ gần 20 triệu người, trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,5 triệu người…Tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, có gần 4 triệu lao động đang làm các công việc tự sản tự tiêu trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 7,3% lao động có việc làm, đa số họ ở nông thôn và không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thậm chí 10% trong số đó còn chưa từng bao giờ đi học.
Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp, lao động thiếu việc làm và lao động phi chính thức giảm so với cùng kỳ 2018 nhưng tỷ lệ thanh niên không đi học và không đi làm vẫn ở mức cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê nêu rõ, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2019 gần 1,11 triệu người, tăng 0,3 nghìn so với quý III và giảm 0,9 nghìn người so với cùng kỳ 2018. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,98%. Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi 15-24 quý IV/2019 ước khoảng 390,6 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 6,31%, giảm so với quý trước và cùng kỳ. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 8,91%. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý IV ước 8,4%, giảm so với quý III, tỷ lệ này ở thành thị thấp hơn nông thôn và ở nữ thanh niên cao hơn nam thanh niên.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, công việc liên quan đến trình độ kỹ năng cao thì thu nhập càng cao
Theo đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2019 đạt 5,06 triệu đồng, tăng 201 nghìn đồng so với quý III và tăng 797 nghìn đồng so với cùng kỳ 2018, các nhóm ngành nghề khác nhau có thu nhập khác nhau, lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất, thấp hơn thu nhập bình quân chung 1,8 triệu đồng.
Duy trì ổn định và chuyến biến tích cực về lao động việc làm của cả năm 2019
Nhìn chung, năm 2019, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, các bộ, ngành đã nỗ lực rà soát, loại bỏ nhiều thủ tục và điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Các yếu tố này đã góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của tình hình kinh tế - xã hội nói chung và tạo ra các chuyển biến tích cực về tình hình lao động – việc làm nói riêng.
Tổng cục Thống kê chỉ rõ, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 ước tính đạt 55,8 triệu người, tăng 417,1 nghìn người so với năm 2018.
Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên năm 2019 ước tính là 12,7 triệu người, chiếm 22,8% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.
Lao động có việc làm năm 2019 ước tính là 54,7 triệu người, tăng 416 nghìn người so với 2018. Chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra mạnh mẽ theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tốc độ chuyển dịch lao động từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang các khu vực kinh tế khác đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cơ cấu nghề có sự chuyển dịch song song với chuyển dịch cơ cấu ngành. Tỷ lệ lao động giản đơn và lao động có kỹ năng trong nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với 2018, nhóm lãnh đạo/nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao và bậc trung, nhóm thợ thủ công và thợ kỹ thuật tăng mạnh so với 2018.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của năm 2019 ước tính gần 1,1 triệu người, giảm 5,5 nghìn so với 2018. Thất nghiệp của lao động thanh niên trong độ tuổi lao động 15-24 ước khoảng 428,5 nghìn người, chiếm 38,7% tổng số lao động thất nghiệp, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung do lực lược lao động thanh niên khi tham gia vào thị trường lao động thường có xu hướng tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ năng lực của mình hơn so với nhóm dân số ở độ tuổi khác, đây cũng là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động 2019 đạt 5,6 triệu đồng, tăng 799 nghìn đồng so với 2018.Thu nhập của lao động làm công hưởng lương đều tăng ở tất cả các trình độ và tăng cao hơn ở nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Lao động có trình độ cao thì mức thu nhập cao hơn. Năm 2019, thu nhập của lao động có trình độ đại học là 9,3 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần lao động không có chuyên môn kỹ thuật (5,8 triệu đồng).
Như vậy là, việc chuyển dịch lao động sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ nhiều hơn, thu nhập của lao động có trình độ cao hơn rất nhiều so với không có trình độ và lao động chung đang cho thấy những chuyến biến theo hướng mới của lao động việc làm trên phạm vi cả nước trong tương lai, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình phát triển kinh tế - xã hội mới.
Tất nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong bối cảnh hội nhập và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động Việt Nam cũng cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, chủ động tham gia vào quá trình đào tạo, không chỉ về chuyên môn kỹ thuật mà cần chú trọng cả kỹ năng mềm, kiến thức pháp luật lao động để làm chủ công việc bản thân. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao từ thị trường lao động, giữ được việc làm bền vững và thu nhập ổn định./.