Cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ và gỡ khó kịp thời (Ảnh: HNV)

 

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so quý II-2021 và giảm ba triệu người so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020, với 2,91%. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 này, khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam dần nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục ngàn người đã khăn gói về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, miền Trung... Rất đông trong số họ từng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của đất nước.

Sự dịch chuyển không mong muốn này cũng đã được các chuyên gia và các đại biểu quốc hội đặt lên bàn các cuộc tọa đàm, thẩm tra để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới và cho cả Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025. Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã thâm nhập và tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự bùng phát của dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2021, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động bị mất việc làm và thất nghiệp gia tăng, lực lượng lao động suy giảm, xu hướng dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, từ các tỉnh kinh tế trọng điểm về các địa phương khác gia tăng, gây mất cân đối cung - cầu lao động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực hiện hữu.

Nguồn: IHS Markit và Tổng cục thống kê, 8/2021 

 

Thực tế, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn và đã xuất hiện tình trạng người dân, lao động thiếu, mất việc làm do dịch, lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi. Ước năm 2021, cả nước có khoảng 49,3 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, giảm 1,4% so năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, sau giãn cách xã hội, vấn đề lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng và giải pháp khôi phục thị trường quan trọng này.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để phục hồi kinh tế, có ba vấn đề lớn Chính phủ cần lưu ý. Thứ nhất, cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng, chống dịch COVID-19. Thứ hai, lao động gắn với sự dịch chuyển. Thứ ba, dòng tiền, tài chính. Riêng về lao động, đây là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên. Bởi ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh, cũng phải mất vài năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

PV