Việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động, tái cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa công nghiệp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới được xem là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài của các cấp, các ngành và nhân dân tỉnh Long An.

Cần có cơ chế linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn

Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Long An cần phải đổi mới cơ chế, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, với người học và thị trường lao động, gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và quy hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới, đào tạo lao động nông thôn theo địa chỉ sử dụng như: hợp tác xã, tổ hợp tác, người lao động tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chí quan trọng đánh giá sự thành công của đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" và góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

 
Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
(Ảnh: dangcongsan.vn)


Toàn tỉnh Long An hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (10 cơ sở công lập, chiếm tỷ lệ 40%; 15 cơ sở ngoài công lập, chiếm tỷ lệ 60% ); gồm 3 trường cao đẳng nghề, 7 trường trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 8 đơn vị khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, 5 đơn vị có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có 57.674 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của đề án 1956. Trong đó, 38.350 người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp, chiếm 66,49%; 18.022 người được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp, chiếm 33,51%; 1.580 người được hỗ trợ học nghề thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, chiếm 2,73%; 6.778 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ học nghề, chiếm 11,75%.

Công tác đào tạo nghề đã đạt được hiệu quả rõ rệt với 57.674 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tốt nghiệp 54.714 người. Trong đó, 49.939 lao động có việc làm sau khi học nghề, đạt 86,58%, vượt mục tiêu đề án đặt ra (mục tiêu giai đoạn 2010 - 2015, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 70%; giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 80%). Trong số đó, 3.635 người được doanh nghiệp tuyển dụng, chiếm 7,27% số người có việc làm sau học nghề; 3.714 người được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chiếm 7,43 %; 41.470 người tự tạo việc làm bằng hình thức nuôi trồng tăng năng suất cây trồng, vật nuôi hoặc việc làm cũng có thu nhập cao hơn, chiếm 83,04%, 1.120 người tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã… Đặc biệt, đã có 849 người thuộc hộ nghèo tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo; 2.682 người tham gia học nghề, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương (trở thành hộ có thu nhập khá).

Nhìn chung, việc triển khai kinh phí các hoạt động của đề án đúng theo quy định, đồng bộ, đúng định hướng và bước đầu đạt hiệu quả; trang thiết bị đào tạo nghề ở cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp phần lớn được đầu tư theo công nghệ tiên tiến, hiện đại và được đưa vào sử dụng để giảng dạy học tập tại trường và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 - 2020 chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 2010 - 2015: Đào tạo nghề cho 43.600 lao động nông thôn (24.000 người học nghề nông nghiệp và 19.600 người học nghề phi nông nghiệp); giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo nghề cho 25.321 lao động nông thôn (15.511 người học nghề nông nghiệp và 9.810 người học nghề phi nông nghiệp).


Áp dụng khoa học -  kỹ thuật vào trồng trọt, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
(Ảnh:dangcongsan.vn)


Để thực hiện hiệu quả các hoạt động đào tạo nghề, tỉnh đã tiến hành kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành và hệ thống cơ quan tham mưu, giúp việc tổ chức quản lý và triển khai thực hiện; ban hành cơ chế chính sách đặc thù của địa phương; điều tra, khảo sát, phê duyệt danh mục đào tạo nghề; duyệt định mức chi phí đào tạo nghề; tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo bồi dưỡng giáo viên cán bộ quản lý đào tạo nghề; phát triển xây dựng chương trình và giáo trình dạy nghề...

Ngoài ra, tỉnh Long An thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn như: hỗ trợ chi phí đào tạo nghề; hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và các chế độ khác theo quy định của đề án 1956. Kết quả, từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ cho 57.674 người lao động học nghề nông thôn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 đến nay đã góp phần đưa tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của tỉnh Long An đạt chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra hằng năm. Cụ thể: năm 2016 là 62,86/62%; năm 2017 là 65,68/65%; năm 2018 là 67,56/67%; dự kiến tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giai đoạn 2019 - 2020 là 70%.

Qua 10 năm triển khai đề án, được sự hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự chỉ đạo UBND tỉnh, sự quyết tâm triển khai của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên các nội dung hoạt động của đề án đã được triển khai đồng bộ và hiệu quả từ việc điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, xác định nghề cần đào tạo, đến việc tổ chức đào tạo nghề gắn với phát triển nguồn nhân lực nông thôn tại địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
 

Dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
(Ảnh:dangcongsan.vn)


Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh cho biết: "Thời gian qua, ngành tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trí, vai trò của dạy nghề cho lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bảo đảm chất lượng, hiệu quả gắn với giải quyết việc làm, trên cơ sở bảo đảm phương châm chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề, trong đó có trên 80% lao động nông thôn có việc làm sau học nghề. Phấn đấu cuối năm 2020, lao động qua đào tạo đạt trên 70%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 55%.

Qua đây có thể khẳng định, đề án 1956 được Long An triển khai linh hoạt, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Thời gian tới, Long An tiếp tục phát huy tốt hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân./.


CM