Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích cung cấp thông tin về các kết quả thực hiện chính sách việc làm, quản lý lao động, thị trường lao động và bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian qua. Đồng thời, hội nghị cũng là cơ hội để các nhà báo chia sẻ, trao đổi thông tin về vấn đề việc làm với Cục Việc làm là đơn vị quản lý Nhà nước về lĩnh vực việc làm và các cơ quan liên quan. Đến dự hội nghị có ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm; TS. Trần Ngọc Diễn - Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; TS. Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; TS. Nguyễn Công Dũng - Phó Tổng Biên tập thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam; cùng nhiều lãnh đạo từ các cơ quan, đơn vị khác có liên quan. Đặc biệt, là sự tham dự đông đảo của đại biểu đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí.
Lãnh đạo Cục Việc làm và Tạp chí Lao động và Xã hội chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Cục Việc làm, Phó Cục trưởng Lê Quang Trung đã trình bày về kết quả 05 năm thực hiện Luật Việc làm và những vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh, kết quả 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và định hướng cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7. Đồng thời, nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách việc làm cho các đối tượng đặc thù (người mãn hạn tù, người sau cai nghiện,...). Nhấn mạnh về vai trò của vấn đê việc làm, Phó Cục trưởng Lê Quang Trung chia sẻ: “Lĩnh vực việc làm đang là vấn đề được toàn thể xã hội hết sức quan tâm, có nhiều chính sách mới liên quan đến lĩnh vực việc làm cần truyền tải như: Các chính sách liên quan đến giải quyết việc làm, chính sách việc làm với thanh niên, phụ nữ, những đối tượng người mãn hạn tù…; Phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động đề án dự báo cung cầu lao động; Hoạt động của các tổ chức dịch vụ việc làm; Đề án quản lý lao động, sử dụng lực lượng lao động, lao động nước ngoài tại việt nam đang thu hút sự quan tâm của xã hội; Chính sách bảo hiểm thất nghiệp...". Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều người chưa biết đến những chính sách các chính sách trên, chính vì vậy để truyền tải các nội dung, nội hàm về vấn đề việc làm, nâng cao nhận thức về chính sách việc làm đến người lao động thì vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí lại càng quan trọng.
Toàn cảnh hội nghị
Thảo luận tại hội nghị, bên cạnh những chia sẻ về vai trò của truyền thông việc làm, vai trò của báo chí, TS. Trần Bá Dung – Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh rằng: Để tuyên truyền hiệu quả, kịp thời đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước về việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp, trước hết các phóng viên báo chí cần chọn hình thức truyền thông sinh động, phù hợp với trình độ, thói quen, tâm lí tiếp nhận của người lao động, người sử dụng lao động; Thường xuyên phản ánh những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những tấm gương tiêu biểu khi tham gia giải quyết việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp; Rèn kĩ năng phát hiện đề tài, khai thác và xử lí thông tin về việc làm, quản lí lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
Tại hội nghị, các vị đại biểu đã được nghe tham luận nhiều vấn đề như: Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và những định hướng; Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả của các cơ quan đơn vị thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 28 – NQ/TW; Một số nội dung về tuyển dụng và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam; Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tổ chức dịch vụ việc làm và những vấn đề đặt ra cho tổ chức dịch vụ việc làm Việt Nam; Kết quả thực hiện thực hiện hoạt động cho vay vốn hỗ trợ việc làm từ Quỹ Quốc gia về Việc làm; Chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù; Năng xuất lao động – việc làm ở Việt Nam; Giải pháp nâng cao hiệu quả vốn vay từ Quỹ quốc gia về Việc làm và những vấn đề đặt ra trong công tác tuyên truyền; Những khó khăn trong công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp và giải pháp khắc phục; Truyền thông định hướng việc làm trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0....
Các đại biểu đã tích cực thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đóng góp ý kiến về thực trạng công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, những khó khăn, hạn chế và đưa ra các kiến nghị về giải pháp để khắc phục trong thời gian sắp tới.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức đã tổ chức cho các đại biểu đi tìm hiểu thực tế một số mô hình vay vốn giải quyết việc làm có hiệu quả tại tỉnh Thái Nguyên, làm việc và phỏng vấn người sử dụng lao động, người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên. Qua đó, các nhà báo sẽ có thêm nhiều chất liệu thực tế phong phú để viết bài, giúp người dân có nhận thức đầy đủ hơn các thông tin trong lĩnh vực việc làm. Trong thời gian tới, Cục Việc làm tiếp tục sẽ có nhiều giải pháp, định hướng nhằm thực hiện tốt công tác truyền thông, qua đó giúp người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động nói riêng nắm bắt và cập nhật kịp thời các thông tin, chính sách trong lĩnh vực việc làm./.