Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tăng tỷ lệ số lượng lao động qua đào cho Hà Tĩnh. Thực hiện Chương trình hành động số 1011-CTr/TU ngày 03/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh triển khai Chương trình hành động số 1011-CTr/TU; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập Trường trung cấp, Trường cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020 thực hiện việc sáp nhập các Trường trung cấp vào Trường cao đẳng, giai đoạn tiếp theo tiếp tục sáp nhập các trường cao đẳng, đến năm 2025 về cơ bản chỉ còn một đầu mối (một trường cao đẳng) trực thuộc UBND tỉnh.

Lớp dạy và học nghề sửa chữa ô tô ở Hà Tĩnh

 

Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở dạy nghề. Theo đó, đã thực hiện sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên tại 12 huyện, thành phố, thị xã, thành 12 Trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở giáo dục và Đào tạo; sáp nhập 03 trung tâm dạy nghề trực thuộc các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn) thành một trung tâm duy nhất; đã giải thể, cho phép giải thể 03 trung tâm dạy nghề hoạt động thiếu hiệu quả hoặc có chức năng không còn phù hợp với tình hình, nhiệm vụ mới.

 

Lớp dạy và học nghề sửa chữa ô tô ở Hà Tĩnh



Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 15/12/2016 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh đã bàn giao chức năng quản lý nhà nước đối với 03 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ ngành Giáo dục và Đào tạo sang cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; ban hành các quyết định đổi tên, sáp nhập Trung tâm dạy nghề - hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; sáp nhập Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Hà Tĩnh vào Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và Giáo dục thường xuyên tỉnh, sáp nhập Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Hồng Lĩnh vào Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà Tĩnh. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảm từ 31 cơ sở (năm 2015) đến nay còn 24 cơ sở. Gồm 04 trường cao đẳng (với 05 cơ sở đào tạo); 05 trường trung cấp (với 06 cơ sở đào tạo); 04 trung tâm dạy nghề; 10 Trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 01 phân hiệu của Trường cao đẳng trực thuộc Bộ Công Thương.

 

Lớp dạy và học nghề sửa chữa ô tô ở Hà Tĩnh



Ngành, nghề đào tạo có 02 đơn vị đào tạo các nhóm ngành thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và y tế; 02 đơn vị đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; 03 đơn vị đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 03 đơn vị đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp; 02 đơn vị đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ; 02 đơn vị đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực Thương mại - dịch vụ và nông - lâm - ngư nghiệp; 10 đơn vị đào tạo trên cả 3 lĩnh vực; trong đó có 01 đơn vị chỉ thực hiện đào tạo chuyên biệt cho người khuyết tật.

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh có năng lực đào tạo trên 60 ngành, nghề ở tất cả các lĩnh vực, với tổng quy mô tuyển sinh học nghề hàng năm là 23.785 người. Trong đó: trình độ cao đẳng nghề: 1.355 người, chiếm 6%; trung cấp nghề: 4.915 người, chiếm 21%; sơ cấp nghề 17.515 người, chiếm 74%. Số lượng tuyển sinh trung bình hàng năm ước đạt từ 60 - 70% tổng quy mô tuyển sinh.

Ngoài các cơ sở đào tạo chính quy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các hợp tác xã; tổ, nhóm sản xuất… trong đó người lao động vừa học nghề vừa tham gia làm việc. Mặc dù còn một số hạn chế, người học nghề không được cấp bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo…, tuy nhiên đây là một hình thức đào tạo và tự đào tạo có hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.

Việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh từng bước được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả. Kiện toàn, nâng cao năng lực cho hệ thống cơ sở dạy nghề, nhằm thực hiện tốt nhất Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 899/QĐ-TTG ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 935/QĐ-LĐTBXH ngày 19/7/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội./.


Bỉnh Chúc