Hàng ngàn lao động mất việc tại Thanh Hóa được nhận trợ cấp thất nghiệp
Là đơn vị được giao nhiệm vụ giải quyết chính sách BHTN theo quy định của Luật Việc làm, thời gian qua Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách BHTN cho người lao động và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm chính sách BHTN theo chương trình của Cục Việc làm. Dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế chung của đất nước, nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng với người lao động trước thời hạn do không đủ khả năng trả lương. Do vậy, lượng lao động nộp hồ sơ hưởng Trợ cấp thất nghiệp tuy đã giảm so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn khá cao, gây sức ép lớn cho việc giải quyết hồ sơ của đơn vị khi vừa phải giải quyết kịp thời chế độ cho người lao động vừa làm tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội - Lê Đình Tùng cho biết: Đối với Thanh Hóa từ khi dịch Covid- 19 xuất hiện đến nay, số lao động về tỉnh hưởng trợ cấp thất nghiệp tương đối lớn, đặc biệt năm 2020 số lượng vượt lên nhiều. Từ đầu năm 2021 đến nay, số lượng người hưởng bảo hiểm thất nghiệp là hơn 19 nghìn người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trên địa bàn phía Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm trực tiếp hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ cho lao động thất nghiệp. Trong quá trình thực hiện tổ chức đảm bảo đúng quy trình, thời gian đảm bảo cho người lao động được chi trả kịp thời. Song song đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ trực tuyến để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người lao động ở xa và trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 không đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm, tránh không để trường hợp nào bị ảnh hưởng quyền lợi.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa: Tính đến hết ngày 19/11/2021 đơn vị đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 20.457 người, giảm 32.8% so với cùng kỳ năm 2020, ước thực hiện đến hết 31/12/2021: 22.500 người; thẩm định hồ sơ và ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 20.390 người, giảm 31,7% so với cùng kỳ năm 2020, ước thực hiện đến hết 31/12/2020: 22.000 người. Kiểm tra, xác minh các cơ sở đào tạo nghề, tham mưu Sở ban hành Quyết định hỗ trợ học nghề cho 19 trường hợp có nhu cầu học nghề trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với BHXH Tỉnh kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các trường hợp trục lợi BHTN (đã có việc làm trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp), tham mưu Sở ra quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp đối với 87 trường hợp; thu hồi quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với 08 trường hợp và 15 trường hợp đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài địa điểm chính, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn bố trí 6 điểm văn phòng đại diện tại các huyện trong tỉnh để tiếp nhận đăng ký và nhận hồ sơ giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
Trung tâm Dịch vụ Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp
thất nghiệp cho 20.457 lao động
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá, nguyên nhân lao động nghỉ việc nhiều là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đối tượng lao động mất việc tại tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, phần lớn làm việc tại các ngành nghề yêu cầu tay nghề đơn giản như may mặc, giày da, chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản…Trung tâm đã thực hiện chính sách BHTN cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời.
Trung tâm đã thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đến đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc làm theo đúng luật định, đồng thời bám sát theo các văn bản hướng dẫn để thực hiện chế độ cho người lao động đúng, đủ, kịp thời. Quá trình giải quyết chưa có trường hợp nào phản ánh hay có đơn thư khiếu nại về cách giải quyết chế độ chính sách của đơn vị. Các biện pháp phòng, chống dịch được Trung tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn cho cán bộ, tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Một số thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng tôi chuyển giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến, bố trí các cán bộ thụ lý nhận hồ sơ, công bố số điện thoại của chuyên viên ở từng huyện, xã để thuận tiện cho người lao động nộp hồ sơ./.