Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp
tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Ảnh: KT).
 

Cuộc sống bấp bênh

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng dẫn đến phải thu hẹp hoạt động kinh doanh sản xuất, phải cắt giảm nhân sự hoặc cho nhân viên nghỉ việc tạm thời. Chính vì vậy, nhiều lao động rơi vào tình trạng vừa lo chống đỡ với dịch bệnh Covid-19, vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Theo Luật Việc làm, khi người lao động thất nghiệp nộp đầy đủ hồ sơ sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp, theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Có thể nói, đây là nguồn hỗ trợ rất tích cực để người lao động trang trải trong thời gian thất nghiệp. Chính vì vậy, những ngày này, nhiều người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sáng 19/3, chúng tôi bắt gặp hình ảnh hằng trăm người đang chờ đến lượt làm thủ tục. Anh Nguyễn Văn Trung (38 tuổi, quê Phú Thọ) làm việc trong một khách sạn tư nhân tâm sự, ngay sau tết, anh phải nghỉ làm do công ty gặp khó khăn không có đơn hàng mới. Anh cho biết, lãnh đạo công ty cũng có tổ chức gặp mặt, mong muốn người lao động thông cảm và cho biết khi nào công ty ổn định sẽ thông báo anh em đi làm. Anh buồn bã nói: “Không đi làm, thu nhập không có, cuộc sống của gia đình quá khó khăn. Vợ chồng tôi đều ở quê lên Hà Nội sinh sống, làm việc, tiền trọ, tiền ăn hằng tháng giờ trông chờ vào lương vợ. Trợ cấp thất nghiệp dù ít nhưng cũng đỡ phần nào trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.

Vừa làm xong thủ tục, chị Nguyễn Anh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi làm công nhân một công ty tư nhân chuyên về dịch vụ ăn uống đã 5 năm. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty bị ảnh hưởng nhiều. Từ sau Tết âm lịch, tôi nằm trong số phải cắt giảm nhân sự. Cuộc sống vốn đã khó khăn, giờ nghỉ làm không có thu nhập, đi chợ chúng tôi phải đắn đo, cân nhắc mua từng mớ rau, lạng thịt. Dù biết lúc này không nên tập trung đông người nhưng tôi vẫn đến đây là làm thủ tục để chờ giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, cũng mong muốn tìm kiếm được cơ hội việc làm khác”.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,3% so với cùng kỳ. Nhận định về con số gia tăng này, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho rằng, con số gia tăng này chưa phản ánh đúng thực tế tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đến nay, số người tham gia tăng đều hằng năm, nên số người thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng tương ứng; chẳng hạn số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp năm 2019 tăng 10% so với năm 2018.

Bên cạnh đó, theo tổng hợp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, số người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 2 là 4.037 trường hợp, trong đó có hơn 200 lao động thất nghiệp vì doanh nghiệp phá sản, giải thể, cắt giảm sản xuất, tái cơ cấu ở hơn 80 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo, tháng 4 và tháng 5, số người hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể tăng đột biến do tác động của 2 yếu tố kép.

Bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong tháng 2, dựa trên báo cáo của 22 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng tôi rất chia sẻ với người lao động và kể cả người sử dụng lao động. Hàng trăm doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, cắt giảm giờ làm, thay đổi sản xuất kinh doanh, dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập ảnh hưởng đến đời sống của người lao động”.

Ông cho rằng, những chính sách về thuế, chính sách về vốn, và chính sách về bảo hiểm xã hội…. gần đây là rất kịp thời, giúp ổn định sản xuất và giúp người lao động giữ được việc làm trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông mong muốn, trong lúc khó khăn này, cả doanh nghiệp và người lao động cần đi đến thống nhất để giữ được người lao động, đồng thời phát huy hơn nữa vai trò của công đoàn, cũng như sự vào cuộc của các cấp chính quyền để người lao động an tâm.

Đáng chú ý, để chuẩn bị nhân lực trong thời gian tới khi thị trường lao động ấm lên, ông cho rằng, người lao động phải chủ động trong đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng... để chớp lấy các cơ hội, kể cả các cơ hội đào tạo theo chính sách của bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động tranh thủ tận dụng và có một định hướng rõ ràng trong thời gian tới. 

Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Quang Trung cũng đề nghị phải đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách giữ chân, thu hút người lao động vào làm việc, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để không rơi vào tình trạng thiếu lao động quen việc ngay khi guồng sản xuất quay trở lại nhịp độ bình thường.

Chia sẻ về giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần rà soát, thống kê và kịp thời chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị thất nghiệp để họ có thể bảo đảm được cuộc sống hằng ngày và có thể được đào tạo, nâng cao tay nghề hoặc có thể chuyển sang ngành nghề khác, duy trì được thu nhập. 

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhìn nhận, đối với các doanh nghiệp hiện đang phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, do không xuất khẩu được hàng hóa thì có thể tranh thủ thời gian này tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động hoặc cải tạo cơ sở vật chất.... Có thể dùng một phần Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc này. “Với khoảng 70 nghìn tỷ đồng kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay, theo tôi, có thể vận dụng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động” – ông chia sẻ./.

 


Tú Giang