Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, tác động đến tất cả các phương diện kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việt Nam hội nhập sâu và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam từng bước được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tăng cường, nguồn nhân lực để cung ứng cho phát triển kinh tế - xã hội được củng cố nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục nghề nghiệp…

 

Hội nghị: "Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019" do UNND TP Hà Nội tổ chức

 

Với bối cảnh xu hướng thay đổi chung của thế giới và thị trường lao động tại Việt Nam ngày càng biến động, đòi hỏi phải tăng cường đầu tư cung cấp nguồn lao động chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu đó trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các đơn vị, tổ chức như hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp phải cùng phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đào tạo nghề và giới thiệu nghề thành công cho người lao động, đảm bảo người lao động có việc làm ổn định, mức sống được nâng cao, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

 

Lớp dạy và học nghề sửa chữa ô tô tại Quảng Trị

 

Lớp dạy và học nghề cơ khí, công nghệ hàn tại Quảng Trị

 

Thực hiện những nhóm giải pháp đồng bộ để góp phần xây dựng thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt là công tác phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp phải được thực hiện có hiệu quả, muốn vậy, chúng ta rất cần nghiên cứu, xem xét một số giải pháp sau:

Một là, Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với giáo dục nghề nghiệp hay hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm mà nó còn là nền tảng cốt lõi của thị trường lao động. Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, nhà nước cần có chủ trương chính sách thúc đẩy và nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động gắn với phát triển kinh tế xã hội.

Hai là, nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với xuất khẩu lao động. Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án với các tổ chức quốc tế trong hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; thí điểm cơ chế tổ chức hoạt động của các hội đồng kỹ năng ngành/ban tư vấn chất lượng trong khuôn khổ các dự án làm cơ sở để thể chế hóa mô hình này trong các quy định pháp luật. Đẩy mạnh truyền thông về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động...

Ba là, thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động và đội ngũ cán bộ các cấp về công tác giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT và các địa phương.

Bốn là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục sắp xếp, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tăng cường trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và hiệu quả thực hiện của các cấp, các ngành liên quan.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các quy định về chế độ làm việc, các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo; huy động các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao, nông dân sản xuất giỏi tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hoá việc thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác để phát triển giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng đào tạo với các cơ sở đào tạo theo hình thức đặt hàng.

Bảy là, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có uy tín nước ngoài, nhất là đối với các ngành nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, các ngành, lĩnh vực phù hợp xu thế hội nhập và đón đầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tám là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, quản lý đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hoạt động quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp.

Chín là, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, việc quản lý và tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá gắn với biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Và để giáo dục nghề nghiệp phát triển gắn liền với thị trường lao động rất cần sự phối hợp, liên kết liên thông giữa các sở ban/ngành, đơn vị thực hiện về lĩnh vực lao động - việc làm. Đặc biệt, cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các Trung tâm dịch vụ việc việc làm, sàn giao dịch việc làm…/.

PV