Để nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh về giáo dục nghề nghiệp; Tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) vào giáo dục nghề nghiệp; Hỗ trợ công tác tuyển sinh - hướng nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp đồng thời thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội, doanh nghiệp góp phần mở rộng quy mô, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực của Hà Tĩnh.

Một trong những hoạt động đẩy mạnh Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp của Hà Tĩnh

Công tác Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp đã được Hà Tĩnh triển khai đồng bộ và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Trung ương, công tác đào tạo nguồn nhân lực thông qua hệ thống báo cáo viên các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác tổ chức các hội nghị tư vấn học nghề - giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh của các cơ sở dạy nghề cũng được đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền.

Cụ thể, công tác Truyền thông được thực hiện đồng bộ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh và các cơ quan báo chí Trung ương, Đài phát thanh - truyền hình tuyến huyện và hệ thống truyền thanh cơ sở. Đặc biệt, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh đã có chuyên mục, chuyên trang hàng tuần để tuyên truyền, thông tin về chính sách, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đến với người dân đã tạo những chuyển biến không nhỏ, lao động qua đào tạo ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương; UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản thể chế hóa các chính sách của Nhà nước, xây dựng quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tham mưu Tỉnh ủy ban hành các chỉ  thị, chương trình hành động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; tham mưu HĐND tỉnh ban hành các quy định, chính sách trong việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các chính sách về hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là người khuyết tật, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động thuộc các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường …

Việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các thông tư, văn bản hướng dẫn của các bộ ngành trung ương; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ, nhà giáo tại các cơ sở đào tạo trong việc triển khai thực hiện các quy định trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; lồng ghép các nội dung liên quan về giáo dục nghề nghiệp trong các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn của các cấp, các ngành.

Đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; theo đó công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của địa phương được giao cho Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ máy quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện ngày càng được kiện toàn, đảm bảo tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Hiện tại, Phòng Giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có 04 biên chế; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của 13/13 huyện, thành phố, thị xã đều có cán bộ phụ trách công tác giáo dục nghề nghiệp. HĐND tỉnh đã tổ chức các hoạt động giám sát việc thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người lao động, học sinh, sinh viên, đội ngũ nhà giáo và người dạy nghề tại các cơ sở đào tạo; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở đào tạo và các địa phương trong việc thực hiện các quy định của nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Có thể nói, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về giáo dục nghề nghiệp cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lao động, đội ngũ cán bộ các cấp, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT và các địa phương ở Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng phát huy hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, số lượng tuyển sinh học nghề ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, cụ thể: năm 2016: 14.750 người; năm 2017: 17.222 người, năm 2018: 18.880 người.

Thực tế cho thấy, để nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp… giáo dục nghề nghiệp cần được Truyền thông rộng rãi, bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng nội dung và đối tượng, đảm bảo yêu cầu thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm. Thống nhất quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục nghề nghiệp là cách làm của Hà Tĩnh đã mang lại những kết quả tích cực, rất đáng để tham khảo./.


Trường Sơn