Sở dĩ lao động nữ dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn trong lao động, việc làm là do đang có nhiều hạn chế về chất lượng. Biểu hiện ở các khía cạnh như: trình độ học vấn thấp, tỷ lệ lao động nữ không biết đọc, biết viết tiếng phổ thông lên tới 26,82%, cao gấp đôi tỷ lệ này ở nam giới và cao gấp 5 lần tỷ lệ này ở lao động nữ người Kinh. Tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số qua đào tạo chỉ là 5,9%. Tỷ lệ có trình độ sơ cấp nghề chỉ có 0,2%, trình độ cao đẳng 1,4%...

Lối sống khép kín trong gia đình, cộng đồng tạo nhiều bất lợi cho nữ dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận với những công việc làm công ăn lương được pháp luật lao động bảo vệ.

Phân tích của bà Nguyễn Thị Bích Thúy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lao động nữ và Giới, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, nữ dân tộc thiểu số có xu hướng tham gia lao động rất sớm nhưng cơ cấu việc làm lạc hậu, phần lớn gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, lao động nữ dân tộc thiểu số vẫn áp dụng kỹ thuật sản xuất lạc hậu, năng suất và sản lượng thấp, quy mô sản xuất hộ gia đình, sản phẩm chủ yếu phục vụ tiêu dùng của hộ gia đình.

 Tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số có việc làm trong lĩnh vực công nghiệp chỉ là 6,23%, bằng ¼ so với lao động nữ người Kinh và bằng ½ so với lao động nam dân tộc thiểu số. Ở khu vực dịch vụ, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số có việc làm chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ chung của nữ cả nước và ¼ so với nữ người Kinh.

Lối sống khép kín trong gia đình, cộng đồng tạo nhiều bất lợi cho nữ dân tộc
thiểu số trong việc tiếp cận với những công việc làm công ăn lương
được pháp luật lao động bảo vệ. Ảnh: Phương Thanh


Theo bà Nguyễn Thị Bích Thúy, hiện đang có nhiều bất lợi đối với nữ dân tộc thiểu số, do yếu tố dân tộc và giới. Nguồn vốn tự nhiên ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không thuận lợi cho hoạt động sản xuất và tái sản xuất cho lao động nữ dân tộc thiểu số. Những khó khăn, bất lợi về địa hình, vị trí địa lý xa, hẻo lánh, không thuận lợi cho giao thương, nhiều thiên tai… ảnh hưởng bất lợi đến phụ nữ dân tộc thiểu số trong sản xuất và tái sản xuất.

 Mặt khác, nguồn vốn con người của nữ dân tộc thiểu số kém hơn nam giới và nữ dân tộc Kinh. Nữ dân tộc thiểu số có quá trình chuyển dịch cơ cấu việc làm chậm và gặp nhiều khó khăn là do những rào cản từ phong tục tập quán, trình độ học vấn thấp, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, ngôn ngữ, khả năng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế, cải thiện việc làm. Do vậy, họ cũng ít có cơ hội tiếp cận với những công việc chất lượng như làm công hưởng lương được pháp luật lao động bảo vệ. Việc làm của nữ dân tộc thiểu số thường có vị thế thấp, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động, không tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc. Nữ dân tộc thiểu số từ 30 tuổi trở lên không biết nói tiếng phổ thông sẽ khó tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Bên cạnh đó, do nữ dân tộc thiểu số thường chỉ sống khép kín trong gia đình, cộng đồng mình nên ít giao lưu, ít có cơ hội mở rộng các mối quan hệ trong sản xuất, cộng đồng và xã hội, ít tham gia các tổ chức chính trị - xã hội, trừ Hội Phụ nữ. Chính những yếu tố xã hội nghèo nàn đã gây nên nhiều bất lợi cho nữ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất hiệu quả.

Thực hiện Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết 88/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang xây dựng dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020) để thực hiện từ năm 2021.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia, Hội LHPN Việt Nam sẽ tham gia nghiên cứu và xây dựng vào Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Để nâng cao cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số, nhất là trong tiếp cận lao động việc làm, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phân tích giới nhằm xác định đầy đủ và hệ thống những vấn đề giới đan xen trong phát triển nguồn nhân lực, phát triển sản xuất và cải thiện việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường cơ hội cho các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số yếu thế tiếp cận thụ hưởng các chính sách và dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề, cải thiện việc làm nhằm thu hẹp khoảng cách với nam dân tộc thiểu số và khoảng cách với nữ dân tộc Kinh trong thị trường lao động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng và triển khai chính sách phát triển sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, việc làm đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về những vấn đề giới đan xen ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.                                                             


Minh Phương