Đồng thời, gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, quy hoạch phát triển sản xuất vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng có dự án hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.
Quá trình triển khai, mặc dù còn nhiều hạn chế trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhưng nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp, giúp người lao động tăng cơ hội tìm kiếm việc làm.
Được biết, giai đoạn 2016 – 2020, Hà Nội đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 106.130 người lao động nông thôn; phấn đấu sau học nghề đạt tối thiểu 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất cao hơn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông thôn chỉ mới đạt 75% kế hoạch đề ra với tổng số 76.203 người, trong đó chỉ có 61.027 lao động hoàn thành chương trình đào tạo.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ phải linh hoạt để khuyến khích người lao động
học tập suốt đời. (Ảnh: TTXVN)
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, số lao động học nghề nông nghiệp sau đào tạo được doanh nghiệp tuyển dụng chưa cao, trong khi mục tiêu đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế là quan trọng. Hơn thế, các danh mục nghề đào tạo, chương trình đào tạo chưa được cập nhật thường xuyên. Năm 2016, từ 49 nghề đào tạo rút xuống còn 33 nghề, trong đó có 17 nghề phi nông nghiệp, 16 nghề nông nghiệp, sau đó không cập nhật thêm. Việc này dẫn đến tình trạng một số nghề mới, cần thiết hơn nhưng chưa có trong danh mục đào tạo để thực hiện. Đặc biệt, thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo sơ cấp được thành phố phê duyệt 3 tháng chưa phù hợp tại một số địa phương. Những nghề đơn thuần có khi không cần đến 3 tháng nhưng có những nghề phi nông nghiệp thì thời gian đào tạo cần phải chuyên sâu hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Trên thực tế, còn có những huyện được giao kế hoạch nhưng không tiến hành tổ chức đào tạo.
Tuy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề; chỉ đạo phối hợp các doanh nghiệp giải quyết việc làm; rà soát nhu cầu học nghề của người lao động nông thôn đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển nông thôn mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của các cấp chính quyền… song kết quả đạt được trên thực tế chưa cao.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, một số địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã áp dụng mô hình đào tạo nghề thí điểm, thu hút được nhiều lao động tham gia học nghề và nâng cao thu nhập cho người lao động như: Mô hình đào tạo may công nghiệp tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, giúp người lao động đạt mức thu nhập bình quân từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng; mô hình nghề sản xuất mây, tre, giang đan tại huyện Chương Mỹ, phối hợp đào tạo với doanh nghiệp cho thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng; mô hình đào tạo nghề trồng cây ăn quả, nấm ăn, nấm dược liệu tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, cho thu nhập khoảng 2,5-3 triệu đồng/người/tháng...
Lực lượng lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng chưa có tính ổn định. Đối với những lao động theo học nghề nông nghiệp thì chủ yếu làm những nghề cũ (tự tạo việc làm), còn số lao động học nghề phi nông nghiệp thì cơ hội tuyển dụng còn ở mức thấp. Việc không đồng đều về độ tuổi, trình độ cũng làm quá trình giảng dạy, tiếp thu kiến thức gặp nhiều khó khăn dẫn đến hiệu quả đào tạo chưa được như mong đợi.
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết: Việc xác định nhu cầu hoàn toàn xuất phát từ cơ sở, ngân sách kinh phí hằng năm từ thành phố cho xây dựng kế hoạch đều phân bổ về cho quận, huyện để triển khai thực hiện. Các quận, huyện sẽ kết hợp với cấp xã, rà soát nhu cầu thực tiễn và đề xuất với thành phố.
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vai trò của các cấp cơ sở là tương đối lớn. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa có sự nhịp nhàng, chặt chẽ. Việc đánh giá nhu cầu ngay tại địa phương chưa thực sự phù hợp với yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp, dẫn đến kết quả chung của công tác đào tạo nghề tương đối thấp.
Trước nhiều bất cập trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay, thành phố Hà Nội đã kiểm tra và đánh giá thực trạng. Tên thực tế, việc đào tạo này giao phần lớn cho chính quyền xã và các đoàn thể trên địa bàn đứng ra tổ chức, quản lý lớp, sau đó giao lại cho xã kiểm tra, giám sát, chính vì vậy mà hiệu quả chưa cao. Vì vậy, giải pháp ưu tiên hàng đầu là cần triển khai quyết liệt hơn, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, trong đó nhấn mạnh tăng cường vai trò của cấp cơ sở.
Thêm vào đó, thành phố cũng yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu về việc gắn trách nhiệm của từng cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện, đánh giá từ khâu khảo sát, tư vấn, đánh giá dạy nghề, giải quyết việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, có biện pháp đối với các đơn vị thực hiện không nghiêm túc… nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn. Đồng thời, các địa phương cũng cần quán triệt trách nhiệm ngay từ khâu đầu tiên để từ đó đánh giá đúng nhu cầu lao động; xây dựng, phát triển đề án nhằm thu hút người lao động tham gia học tập, hướng tới giải quyết vấn đề lao động, việc làm một cách lâu dài, bền vững./.