(ĐCSVN) – Xác định công tác giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trong năm 2019, Điện Biên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn trên địa bàn. 

 Nhờ đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được những kết quả tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm sau tăng hơn năm trước…

 


Nhiều hộ dân ở Điện Biên được hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, hỗ trợ tạo việc làm

 

Hiện nay, tại tỉnh Điện Biên đại đa số bộ phận người dân ở vùng nông thôn sống bằng nghề nông nghiệp, điều này dẫn đến tình trạng lao động nông thôn nhàn rỗi, dư thừa. Vì vậy, thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng lao động này luôn được tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm, nhằm nâng cao chất lượng lao động để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Được biết, trước đây, công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân ngại đi làm xa. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ nên nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm rất ít. Ðể tháo gỡ khó khăn trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động, những năm qua, huyện luôn nỗ lực tìm hướng đi phù hợp, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Điện Biên đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động dạy nghề, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề, quy chế chuyên môn, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ học nghề; xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Qua các lớp dạy nghề, người lao động có tay nghề đã tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoặc áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vay các nguồn vốn đầu tư phát triển mô hình kinh tế.

Hàng năm, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên, lao động nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai nhiều giải pháp, như: Dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, các ngành dịch vụ phù hợp với địa phương, chú trọng công tác xuất khẩu lao động và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trên địa bàn.

Một trong những giải pháp căn cơ để tạo ra nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên thị trường lao động là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án và lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình có chung mục tiêu để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 27.839 người (trình độ cao đẳng 397 người; trung cấp 490 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 26.952 người, trong đó lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 18.682 người). Trong số 18.682 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có 13.768 người có việc làm sau học nghề, đạt trên 73,7%.

Đóng góp vào những kết quả trên, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Điện Biên đã tập trung đổi mới công tác quản lý, điều hành kết hợp đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Trung tâm đã triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút đông đảo số người trong độ tuổi lao động tham gia; nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm tạo sự đa dạng về ngành nghề giúp lao động có nhiều sự lựa chọn, tìm được nghề học và việc làm phù hợp, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn. Cùng với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương trong tỉnh thực hiện đẩy mạnh việc điều tra, khảo sát, cập nhật cung - cầu thị trường lao động, phân tích thông tin về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực lao động của doanh nghiệp, nắm bắt số lao động thất nghiệp, kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập thông tin tại các đơn vị liên quan để tổng hợp cơ sở dữ liệu lao động, việc làm của tỉnh./.

Thanh Hà