(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 đã và đang gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phá sản dẫn đến tình trạng hàng ngàn công nhân bị mất việc. Trong bối cảnh đó, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ, góp sức cho người lao động bị mất việc.
Dịch bệnh kéo dài, nhiều lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Ảnh: Gia Huy/dangcongsan.vn
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 9/2020 đã có hơn 21.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, hơn 328.000 lao động bị mất việc, ngừng việc, làm việc luân phiên và đã có hơn 118.000 người lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Số người lao động mất việc làm tập trung chủ yếu ở các ngành nghề giày da, du lịch, khách sạn, dịch vụ lưu trú, ăn uống, công nghiệp chế biến, vận tải kho bãi và lao động ngành bán buôn, bán lẻ...Cùng với các đơn vị trực tiếp sản xuất, nhiều doanh nghiệp kinh doanh ở các lĩnh vực ngành nghề như du lịch, giao thông vận tải... cũng gặp nhiều khó khăn, nên buộc phải cắt giảm nhân sự, cho người lao động nghỉ việc.
Theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 8 đã có khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn lao động ngừng việc, mất việc làm...
Mới đây, tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các quận, huyện và triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh dịch bệnh diễn biến khó lường nên việc phục hồi kinh tế của Thành phố đang đứng trước giai đoạn nhiều khó khăn.
Trước mắt phải giảm thiểu tối đa doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản bởi tình trạng này sẽ dẫn đến người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn và yếu thế trong xã hội.
Dịch bệnh càng lan rộng, doanh nghiệp càng khó khăn, nhất là những doanh nghiệp có liên quan đến nguồn nguyện liệu, thành phẩm tham gia thị trường xuất-nhập khẩu.
Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố, ban đầu, khi cắt giảm lao động được nhiều doanh nghiệp chọn ưu tiên giữ lại những công nhân xa quê, có hoàn cảnh khó; nữ công nhân lao động đang mang thai; người lao động thâm niên, có tay nghề cao...Tuy nhiên, áp lực từ "bài toán" chi phí lớn nhưng việc làm ngày càng giảm đưa doanh nghiệp vào hoàn cảnh ngày càng khó khăn hơn nên buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm, ngưng việc với cả nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, kể cả nữ lao động đang mang thai, sắp sinh.
Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở theo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp; chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng, chính quyền địa phương tham gia giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động sau khi nghỉ việc. “Điều quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn là đề xuất, tìm giải pháp tốt nhất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh,” ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.
Để tăng cường chăm lo, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, chính quyền địa phương cùng các cấp công đoàn, ngành lao động-thương binh và Xã hội thành phố đã cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tương tự, phù hợp với tay nghề để công nhân tìm việc làm mới; Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố hỗ trợ người lao động đào tạo lại; giới thiệu việc làm cho công nhân có nhu cầu sau khi ngừng việc; đồng thời tổ chức nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn như tặng quà, tiền mặt, trao học bổng cho con em công nhân, hướng dẫn công nhân thai sản đề nghị công đoàn cấp trên trích kinh phí mua bảo hiểm y tế để an tâm sinh con...
Bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động quận, huyện, doanh nghiệp để xử lý các vấn đề liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho công nhân. Riêng những trường hợp nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ có hoàn cảnh quá khó khăn, Bảo hiểm xã hội tăng cường công tác phối hợp với các ngành chức năng xử lý nhanh, đúng quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho chị em công nhân.
Cùng với đó, các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thành phố đã và đang tích cực giám sát, thực hiện các chính sách, hỗ trợ người lao động bị mất việc. Các sàn giao dịch việc làm tăng cường hoạt động trực tiếp, trực tuyến thường xuyên để kết nối, nhanh chóng giới thiệu việc làm mới, không để người lao động bị gián đoạn về việc làm, hẫng hụt về đời sống. Thông qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm mới với người lao động, giúp người lao động yên tâm về những cơ hội việc làm nếu có chuyên môn phù hợp. Ngành lao động-thương binh và xã hội cùng với các sở, ngành sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ người lao động sớm ổn định công ăn việc làm, ổn định đời sống.