Trong đó, phải kể đến vai trò của nguồn vốn giải quyết việc làm đã góp phần tích cực vào giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hình thành các mô hình phát triển kinh tế mới, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới. Đây cũng là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung của nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Để giữ ổn định đời sống và sản xuất của người dân, các cấp, ngành của tỉnh thực hiện nhiều biện pháp giải quyết vấn đề lao động và việc làm. Một trong những biện pháp thiết thực đó là tạo điều kiện về vốn, hỗ trợ kỹ thuật và khuyến khích người nông dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Là đơn vị giải ngân cho vay nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh luôn quan tâm, triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng.

 

Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn


Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, bên cạnh tăng cường tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân, ngân hàng tiến hành thẩm định, giải ngân cho vay thuận lợi, nhanh chóng các dự án vay vốn. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với  các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường..., hàng chục tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.

Từ sử dụng tốt nguồn vốn, nhiều mô hình đã từng bước mở rộng về quy mô, chất lượng có hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hộ gia đình vợ chồng anh Nguyễn Thành Công và chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn Thất Gian, được xem là hộ điển hình của xã Châu Phong về vượt khó phát triển kinh tế. Chị Hồng phát hiện ra bệnh hiểm nghèo cách đây tròn 12 năm khi chị vừa sinh hạ cháu thứ 2. Anh Công vốn là thợ mộc giỏi nhưng không có vốn nên chỉ đi làm thuê. Biết được hoàn cảnh của gia đình, Hội phụ nữ xã đã đến động viên, đứng ra tín chấp cho gia đình vay 50 triệu đồng để thêm vốn đầu tư mở xưởng mộc nhỏ. Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ nguồn vốn vay gia đình đã có cuộc sống bớt khó khăn, xưởng mộc của anh đã giải quyết việc làm cho 4 lao động và đủ đề trang trải cuộc sống và kinh phí những ngày chị nằm viện.

Trong những năm qua, nguồn vốn chính sách cho vay giải quyết việc làm thời gian qua tại Bắc Ninh được triển khai khá hiệu quả. Các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đúng đối tượng. Tuy nhiên, nguồn vốn này đang gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu vay lớn nhưng mức cho vay lại giới hạn. Tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du dư nợ nhận ủy thác cho vay các chương trình tín dụng chính sách của các đoàn thể đạt hơn 35,5 tỷ đồng, với gần 1.500 hộ vay. Tuy nhiên, dư nợ cho vay giải quyết việc làm chỉ đạt 1,1 tỷ đồng với 22 hội viên được vay vốn.

Theo Nghị định 74/2019 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm quy định rõ: Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh được vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/hộ (thay cho 1 tỷ đồng/dự án và 50 triệu đồng/hộ trước kia). Thế nhưng sau 7 háng thực hiện Nghị định 74 của TTCP, trên địa bàn tỉnh mới có 20 hộ được vay mức từ 70-100 triệu đồng. Nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của bà con rất lớn, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của nhân dân. Và trong tổng số hơn 345 tỷ đồng vốn chính sách giải ngân mới trong 5 tháng đầu năm thì vốn giải quyết việc làm chỉ chiếm 12%.

Theo Ông Đàm Lê Văn, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Ninh: Để khắc phục tình trạng này Ngân hàng Chính sách đã báo cáo với hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh để tiếp tục chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với đối tượng này. Cùng với đó Ngân hàng chính sách sẽ báo cáo với Trung ương để khi có nguồn vốn địa phương sẽ có nguồn vốn đối ứng 50-50 để tiếp tục cho vay.

Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm là hoạt động tín dụng chính sách có ý nghĩa hết sức thiết thực, nhằm thúc đẩy chương trình cho vay đạt hiệu quả cao, việc tìm lời giải cho bài toán bổ sung nguồn vốn vay giải quyết việc làm hàng năm rất cần các cấp, ngành chung tay giải quyết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi quá trình đô thị hóa đang phát triển nhanh, nhiều diện tích đất sản xuất bị thu hồi, người dân phải chuyển đổi nghề nghiệp, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt, trong đó vốn cho giải quyết việc làm giữ vai trò hết sức cần thiết./.

 

TC