Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là đời sống, thu nhập của người lao động. Trước tình hình này, Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ; vận động các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng đoàn viên công đoàn, người lao động chung tay, nỗ lực vượt qua dịch bệnh.

* Các cấp Công đoàn sớm vào cuộc


Theo Liên đoàn Lao động Thành phố, doanh nghiệp và người lao động bị tác động dịch bệnh COVID-19 rõ nhất ở các lĩnh vực giáo dục, du lịch, dệt may, xuất nhập khẩu, thương mại… Một trong những nguyên nhân là do bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm liên quan đến thị trường nước ngoài. Nhiều đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp dịch vụ thương mại bị ảnh hưởng bởi những quy định phòng, chống dịch nhằm hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết, Liên đoàn Lao động Thành phố đã định hướng các cấp Công đoàn tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh; tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật lao động ngừng việc do dịch bệnh. Công đoàn chủ động nắm bắt tình hình, đề xuất các giải pháp chăm lo đoàn viên Công đoàn, người lao động; phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời tránh xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.


Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu
May Phương Nam (quận Gò Vấp). Ảnh minh họa: Thanh Vũ


Theo ông Trần Đoàn Trung, việc chăm lo trong thời điểm này phải thiết thực, hướng đến đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, nhất là nữ đoàn viên mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị giảm thu nhập; đoàn viên mắc bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, doanh nghiệp di dời đi nơi khác bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, đoàn viên tại các nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn, những đơn vị bị ảnh hưởng dịch bệnh và một số người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn... cũng được quan tâm, chăm lo.

Đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn Lao động Thành phố và 24 quận, huyện đã có nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, giáo viên, nhất là ở các nghiệp đoàn ngoài công lập. Công đoàn đã lập danh sách công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh; đa dạng hóa các chương trình phúc lợi cho đoàn viên. Nhiều tổ chức Công đoàn quận, huyện, công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp tham gia cùng chủ doanh nghiệp xây dựng phương án chi trả tiền lương và các khoản phúc lợi khác. Các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền trong đoàn viên, người lao động hiểu rõ cách phòng, chống dịch COVID-19; giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp, thông tin kịp thời cho người lao động về việc chi trả, hỗ trợ lương…

Mới đây, những phần quà đầu tiên của Công đoàn Thành phố đã được san sẻ cùng 742 đoàn viên của các nghiệp đoàn giáo viên mầm non với tổng số tiền hơn 890 triệu đồng. Ngay sau đó, Liên đoàn Lao động Quận 12 đã hỗ trợ đột xuất cho 349 giáo viên mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19. Liên đoàn Lao động Quận 5, Quận 8, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh đã trao hàng trăm phần quà (mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng, gồm tiền mặt và nhu yếu phẩm, khẩu trang) cho đoàn viên thuộc nghiệp đoàn giáo viên mầm non tại địa phương.

Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Phú cho rằng, giá trị phần quà tuy không lớn nhưng đây là tình cảm, là nỗ lực của các cấp Công đoàn chia sẻ khó khăn cùng đoàn viên Công đoàn, đặc biệt là giáo viên mầm non các nghiệp đoàn ngoài công lập. "Việc hỗ trợ kịp thời không chỉ giúp giáo viên, những người bị ảnh hưởng dịch bệnh trang trải cuộc sống mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sát của tổ chức Công đoàn đối với thành viên các nghiệp đoàn mần non nói riêng và người lao động Thành phố nói chung", bà Phạm Ngọc Lan chia sẻ.

Từ khi xuất hiện dịch, mọi hoạt động của nhà trường tạm ngưng, nhiều giáo viên mần non ngoài công lập phải ngừng việc. Nhận được phần quà, cô giáo Nguyễn Thị Thơm, Trường mầm non ngoài công lập Quận 12 chia sẻ: Đây sẽ là động lực tiếp sức để các giáo viên mầm non nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục gắn bó với công việc nuôi dạy trẻ, nhất là sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

* Chung sức, đồng lòng vượt qua dịch bệnh


Thống kê mới đây của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 14 doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp, khu chế xuất bị ảnh hưởng dịch COVID-19 tạm ngưng hoạt động. Tuy nhiên, các đơn vị này cùng tổ chức Công đoàn đã có kế hoạch và thông báo giải pháp hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi chính đáng, thể hiện quyết tâm cùng người lao động tăng cường lao động, sản xuất sau khi hết dịch.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạm ngưng hoạt động do phòng ngừa dịch đã chủ động thỏa thuận, hỗ trợ người lao động tạm ngưng việc bằng 1/2 tháng lương, hỗ trợ vé tàu, xe về quê. Nhiều người lao động đã bày tỏ cảm thông, chia sẻ cùng doanh nghiệp.

Cùng với người lao động, nhiều chủ nhà, đơn vị quản lý mặt bằng đã chia sẻ với các doanh nghiệp bằng việc giảm, giãn hoặc không tính tiền thuê mặt bằng trong những tháng xảy ra dịch bệnh, đóng cửa ngưng hoạt động ngoài ý muốn.

Bà Đỗ Thị Huệ, đại diện người lao động khách sạn Equatorial cho biết, người lao động sẽ trực tiếp thỏa thuận với doanh nghiệp chọn giải pháp giãn thời gian làm việc, luân phiên nghỉ phép, trả lương theo hợp đồng (không kèm phụ cấp, thưởng), đảm bảo lương trên mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định của Chính phủ. “Có như vậy, doanh nghiệp duy trì được kinh doanh và người lao động ai cũng được đi làm và ít nhất đều có lương tối thiểu trong gian đoạn khó khăn này”, bà Huệ chia sẻ.

Tương tự, bà Trương Tố Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn cho biết: Hiện có nhiều đơn vị trực thuộc đã ngừng hoạt động hoặc ngừng ở một số bộ phận do không có đối tác, khách hàng, thực hiện quy định phòng ngừa dịch bệnh lây lan cộng đồng. “Trước mắt, trong tháng 3, tiền lương công nhân người lao động tạm thời trích từ quỹ lương dự phòng. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo sang tháng 4, đơn vị sẽ vận động người lao động luân phiên nghỉ phép năm, giãn thời gian lao động để trách lây lan dịch bệnh hay giảm lương...”, bà Hoa nói.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động, nhiều tổ chức Công đoàn đã phối hợp cùng với chính quyền vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc không tăng giá nhà trọ cho đoàn viên Công đoàn, người lao động; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ khảo sát cho giáo viên mầm non ngoài công lập vay hỗ trợ với lãi suất 0,65%/năm. Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) thực hiện chính sách giảm lãi suất, hỗ trợ vốn vay cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ chủ các trường mầm non, giáo viên tư thục, ngoài công lập vay vốn để đảm bảo chi lương, cùng người lao động vượt qua khó khăn ổn định đời sống.

Trong những ngày này, Công đoàn ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã triển khai kế hoạch chăm lo cho giáo viên, công nhân viên là công đoàn viên bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng. Trong đó, 1 triệu đồng tiền mặt trích từ tài chính tiết kiệm Công đoàn của Liên đoàn Lao động thành phố và phần quà trị giá 200.000 đồng/người của Công đoàn ngành Giáo dục.

Liên đoàn Lao động Quận 8, quận Thủ Đức, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty sản xuất Nông sản Kim Sáng tổ chức chương trình bình ổn giá hỗ trợ công nhân viên chức, người lao động; ưu đãi các sản phẩm, dịch vụ, hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, quần áo, dịch vụ giải trí cho công nhân lao động và gia đình... Liên đoàn Lao động hai quận Tân Phú, Thủ Đức thăm hỏi, vận động và được rất nhiều chủ nhà trọ đồng ý giảm tiền thuê phòng trọ cho hàng trăm công nhân lao động bị ảnh hưởng dịch./.


Theo Thanh Vũ