Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Trọng Bình cho biết, dưới sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng và các đồng chí Lãnh đạo Bộ; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thuộc Bộ và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động, Cục Việc làm đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020. Trong bối cảnh COVID-19, kết quả trọng tâm nhất của Cục trong năm 2020 là đẩy mạnh xây dựng thể chế, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
1,34 triệu người được giải quyết việc làm
Theo báo cáo tại Hội nghị do đồng chí Tào Bằng Huy, Phó Cục Phó Cục trưởng trình bày: Năm 2020 Cục việc làm cơ bản đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra của Chính phủ và của Bộ. Cục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương trong việc tổ chức, hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách sách việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động cũng như tham mưu kịp thời cho Bộ trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Cục Phó Cục trưởng Tào Bằng Huy trình bày báo cáo tại Hội nghị
Cụ thể về tình hình thực hiện các chỉ tiêu về việc làm năm 2020 của Cục Việc làm, năm 2020 cả nước giải quyết việc làm khoảng 1,34 triệu người, đạt 83,3% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước tính là 64,5%, tăng 3,3% so với năm 2019; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 24,5%, tăng 1,4% so với năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 tiếp tục duy trì mức <4% (đạt kế hoạch đề ra).
Về lĩnh vực việc làm tính hết năm 2020, sau khi thực hiện các quy định mới theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 214.900 người lao động, trong đó, Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 51.862 lao động (trong đó lao động nữ là 24.390 người, lao động người khuyết tật là 2.422 người và lao động người dân tộc thiểu số là 4.105 người), nguồn NHCSXH huy động đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 163.038 người (lao động nữ là 96.587 người, lao động người khuyết tật là 5.306 người và lao động người dân tộc thiểu số là 19.204 người).
Ngoài ra, Cục đã triển khai tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và tổ chức các hoạt động truyền thông như tuyên truyền qua báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam thông các bài viết chuyên đề; tuyên truyền qua Motion Graphics về các hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Về thị trường lao động, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, Cục đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.
Tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến thị trường lao động có nhiều biến động
Về bảo hiểm thất nghiệp, theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước đến hết năm 2020 có trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước là 1.123.477 người, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019; 1.088.193 người có quyết định hưởng BHTN, tăng 30,16% so với cùng kỳ năm 2019; số người được hỗ trợ học nghề là 26.415 người, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019 và số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.209.048 lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Cục trưởng Tào Bằng Huy cho biết: Trong năm 2021, Cục Việc làm sẽ theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp; Hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19.
Xây dựng thị trường lao động đồng bộ, hiện đại
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả mà Cục việc làm đã đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng cho rằng, năm 2020 là năm rất đặc biệt khi đại dịch COVID-19 hoành hành, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực việc làm. Lao động mất việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp lớn. Khó khăn nhiều nhưng Cục Việc làm đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong đó có những công việc đã được làm rất tốt như công tác xây dựng thể chế, tham mưu cho Bộ ban hành các chính sách hỗ trợ người dân bị mất việc làm.
Thứ trưởng Bộ Lao động TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu
Với tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, lĩnh vực lao động việc làm còn cần phải rất nhiều cố gắng. Cục Việc làm phải đoàn kết hơn nữa, phát huy dân chủ, công khai minh bạch, kỷ cương, kỷ luật trong triển khai các nhiệm vụ được giao; Chú trọng và phát triển thị trường lao động, đảm bảo xây dựng được thị trường lao động ổn định, đồng bộ, linh hoạt và hiện đại; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Cục. Kết nối cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, bảo hiểm thất nghiệp…với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về triển khai chính sách BHTN, Thứ trưởng đề nghị Cục Việc làm cần tiếp tục triển khai tốt công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phòng ngừa thất nghiệp và giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về việc làm cũng cần đổi mới giúp chính sách đến được với cuộc sống …
Về công việc cụ thể, thời gian tới, Cục Việc làm cần tập trung, đánh giá nghiên cứu Luật Việc làm, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai một loạt các Đề án vừa được trình trong năm 2020, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động; Nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, kết nối các trung tâm này với Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm; Quan tâm đến chất lượng việc làm của lao động nông thôn và lao động khu vực phi chính thức; Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hành chính, chủ động rà soát các chức năng, nhiệm vụ của Cục theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết: năm 2021, Cục sẽ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động và người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động;
Đặc biệt là sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch cúm COVID-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ. Hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch COVID-19./.