- Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà có thể chia sẻ cụ thể điều kiện để người lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
Theo quy định của Điều 49, Luật Việc làm, đối với những lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ 4 điều kiện sau:
- Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà được hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng thì cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Người lao động đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng, tính trước thời điểm người lao động nghỉ việc. Với hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hoặc không xác định thời hạn, người lao động đã đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng. Nếu là hợp đồng mùa vụ hoặc có công việc nhất định, thì phải từ 3 tháng trở lên cho tới 12 tháng.
- Người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm giới thiệu việc làm của 63 tỉnh thành toàn quốc.
- Người lao động sau khi đã nộp hồ sơ rồi và không có việc làm sau 15 ngày làm việc, tính từ ngày nộp hồ sơ tại các trung tâm thì người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc… (Hình minh họa)
- Trong quá trình hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, đâu là những vấn đề thường gặp khiến người lao động không được hưởng quyền lợi của mình thưa bà?
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Ví dụ: sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động có việc làm. Vậy là người lao động cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động không đóng đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp trở lên, trong vòng 24 tháng đối với người có hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hoặc không xác định thời hạn, hoặc không đóng đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng đối với lao động mùa vụ hoặc có công việc nhất định từ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng.
Người lao động phải đến các trung tâm dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi mất việc, nhưng người lao động quên mất. Khi nộp thì quá thời hạn 3 tháng, nên cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Một số người lao động không đáp ứng yêu cầu tháng liền kề trước khi mất việc mà đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động cũng không được hưởng.
- Ngoài trợ cấp thất nghiệp, từ 31/03/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 17/2021 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bà Vũ Thị Thanh Liễu có thể chia sẻ cụ thể, người lao động phải thỏa mãn điều kiện gì mới được hưởng chính sách hỗ trợ học nghề này? Mức hỗ trợ là bao nhiêu và trong vòng bao lâu?
Tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% của bình quân 6 tháng lương liền kề trước khi mất việc, được hỗ trợ học nghề miễn phí, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Điều 55 của Luật Việc làm, người lao động được hỗ trợ học nghề phải đáp ứng điều kiện: đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm thuộc các Sở Lao động Thương binh và Xã hội ở các tỉnh thành; người lao động chưa tìm được việc làm sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên, trong vòng 24 tháng làm việc, tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phải nộp đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì chỉ cần đóng từ đủ 9 tháng trở lên là người lao động có quyền được hỗ trợ học nghề. Đây là quyền lợi mà nhiều lao động bỏ quên. Chúng tôi đã cố gắng làm công tác thông tin tuyên truyền rất nhiều, để người lao động hiểu được rằng họ có được những quyền lợi như vừa nêu, chứ không phải chỉ đến để nhận khoản tiền trợ cấp thất nghiệp nhất định, nhưng ít người biết đến chính sách này. Chúng tôi cũng có tư vấn nhưng nhiều người chưa quan tâm.
Mức hỗ trợ học nghề được quy định như sau: đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, thì tùy thời gian và mức phí quy định cụ thể của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thì mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học. Với những lao động tham gia khóa đào tạo nghề từ trên 3 tháng, căn cứ vào mức phí, học phí của từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định và căn cứ theo thời gian học thực tế, người lao động được hỗ trợ mức phí không quá 1,5 triệu đồng/tháng.
So với quy định trước đây là không quá 1 triệu đồng/tháng, không quá 6 tháng, thì mức phí mới đây đã giúp người lao động, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác đào tạo nghề miễn phí cho người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).
- Để được hưởng mức hỗ trợ học nghề, người lao động cần chuẩn bị những hồ sơ giấy tờ gì?
Cần có giấy tờ chứng minh người lao động đã chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động; có sổ bảo hiểm; các giấy tờ liên quan, và đến nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm; có đơn đề nghị được học nghề.
Đáp ứng các yêu cầu này, người lao động sẽ được cấp quyết định học nghề miễn phí, có thể đăng ký chọn nghề ở bất kỳ cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào mà đã được cấp phép.
Ví dụ: tại Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, có 4 nghề đào tạo cơ bản, gồm: kỹ thuật pha chế đồ uống, kỹ thuật nấu ăn, tin học văn phòng, may công nghiệp.
Để tạo điều kiện cho người lao động có nhiều ngành nghề đăng ký, giảm thiểu đi lại, chúng tôi đã phối hợp với nhiều cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cấp phép trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội đăng ký học nghề hơn, như: học lái xe, làm bánh, kế toán, các kỹ năng khác./.
CTV