- Sau 14 năm triển khai, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của chính sách bảo hiểm thất nghiệp? Chính sách này có phát huy đúng vai trò là chiếc giá đỡ đối với người lao động khi bị mất việc?
Hiện, Việt Nam là một trong 82 quốc gia thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đã có những quốc gia thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp gần 100 năm, trước Việt Nam rất nhiều (Việt Nam có 14 năm triển khai). Việt Nam là nước thứ 2 ở Đông Nam Á thực hiện chính sách này, đã được Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá là chính sách thành công, nhân rộng để thúc đẩy phát triển trong khu vực ASEAN.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có sự vào cuộc, đồng thuận của các cơ quan ban ngành, từ công tác tuyên truyền, chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính, tổ chức triển khai.
Thời gian qua, chính sách này có sự thay đổi vận hành, tổ chức thực hiện, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả, tập huấn cán bộ. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành bệ đỡ của người lao động.
Kể từ khi chính sách thực hiện vào năm 2009, ban đầu, chúng tôi dự kiến 4,5 triệu người tham gia, nhưng năm đầu tiên đã có 5,9 triệu người tham gia. Hiện nay, cùng với lộ trình mở rộng đối tượng, công tác tuyên truyền, thì số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp hàng năm đều tăng. Do đó, ngày càng nhiều người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Cao điểm nhất là năm 2020, có hơn 1 triệu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay có hơn 8 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 270.000 người được hưởng hỗ trợ học nghề từ chính sách này, trên 13 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm.
Chính sách này có hiệu quả trong thời điểm Covid-19 năm 2020, 2021, thông qua một số chính sách từ Nghị quyết 42 (2020), Nghị quyết 68 (2021), Nghị quyết 03 (2021), Nghị quyết 24 (2022) về việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp trên cơ sở sử dụng kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2021, 2022 đã hỗ trợ cho trên 13 triệu người lao động, với số tiền trên 31 nghìn tỷ, giảm đóng cho trên 446.000 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền trên 9.100 tỷ đồng. Tổng số hỗ trợ qua gói Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp là trên 41 nghìn tỷ, đã khẳng định vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong bối cảnh bình thường, và trong bối cảnh bất thường như Covid-19.
Chính sách này sẽ ngày càng hoàn thiện. Luật Việc làm 2013 đã bổ sung thêm chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Nghị quyết 68 (2021) đã mở rộng quy định, tăng thời gian hỗ trợ, cũng như giảm bớt điều kiện, một số người sử dụng lao động đã được hỗ trợ từ chính sách này, không ít người lao động được đào tạo kỹ năng, duy trì việc làm.
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm
- Dù bảo hiểm thất nghiệp đã được áp dụng hơn 14 năm nay, nhưng không ít người lao động, kể cả một số lao động trình độ cao, vẫn còn khá mơ hồ về chính sách này. Theo ông lý do vì sao?
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai hơn 14 năm ở Việt Nam, khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, bệ đỡ cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được nhiều người lao động, người sử dụng lao động và cả xã hội, cộng đồng quốc tế, tổ chức lao động quốc tế đánh giá cao.
Một số lao động chưa nhận thức rõ quyền, trách nhiệm của mình trong thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung này đã được đánh giá trong xây dựng đề án về cải cách bảo hiểm xã hội (trong đó có bảo hiểm thất nghiệp).
Ban chấp hành trung ương đã ban hành Nghị quyết 28, trong đó có giải pháp về tăng cường tuyên truyền. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã phê duyệt đề án về tăng cường tuyên truyền bảo hiểm xã hội nói chung, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian qua, với việc tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, thời lượng, nội dung, nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động đã tăng lên. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn một số người lao động chưa nắm hết quyền, trách nhiệm của mình, bởi thực tế đây là do nhận thức của người lao động quan tâm đến quyền, trách nhiệm của mình khi thực hiện các pháp luật theo quy định hiện hành.
Một nguyên nhân sâu xa nữa là trước đây, tất cả những gì liên quan đến việc giải quyết chế độ cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động đều do người lao động và người sử dụng lao động thực hiện. Hiện nay, với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ tự thực hiện các bước để hưởng quyền lợi của mình. Một số người không quan tâm đến các quyền của mình, đến khi rơi vào trường hợp được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì mới quan tâm, lúc này một số người (rất ít) không biết. Hy vọng thời gian tới, bằng các chương trình tuyên truyền rộng rãi, người lao động sẽ hiểu hơn về quyền và trách nhiệm của mình.
Hiện nay, với chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ tự thực hiện các bước để hưởng quyền lợi của mình
- Độ phủ cũng như mức chi trả bảo hiểm thất nghiệp hiện nay như thế nào thưa ông?
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua từng năm, do những điều chỉnh về luật, thông qua hình thức tuyên truyền, kinh tế xã hội phát triển…Đến cuối 2022, có 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18% (đạt chỉ tiêu của Nghị quyết ban chấp hành trung ương giao: đến năm 2021 phải đạt 31%, phấn đấu đến 2025 sẽ đạt 35%, đến 2030 đạt 45%).
Tuy nhiên, để đạt được mốc tiếp theo: 35%, 45% là thách thức không nhỏ. Khi đối tượng bao phủ đã tăng thì đối tưởng người hưởng cũng tăng theo. Trước đây, năm 2009 có hơn 5 triệu người tham gia, hơn 180.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến 2020, số người tham gia xấp xỉ 13 triệu, số người hưởng hơn 1 triệu. Năm 2020, số thu bảo hiểm thất nghiệp tiệm cận số chi bảo hiểm thất nghiệp.