Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I vừa qua, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng gần 89.000 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121.000 người, trong khi đó, khu vực nông thôn giảm hơn 32.000 người.

Trong thời gian này, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%.

Lực lượng lao động theo quý, giai đoạn 2020 – 2023


Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng trên 113.000 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người, tăng gần 121.000 người so với quý trước và tăng trên 386.000 người so với cùng kỳ năm trước.

“Với các biến động tiêu cực từ thị trường lao động cũng như tình hình kinh tế xã hội, lực lượng lao động đang có dấu hiệu tăng chậm lại so với thời điểm sau dịch Covid-19”, Tổng cục Thống kê nhận định.

Số người có việc làm nhìn chung trên toàn quốc vẫn tiếp tục tăng so với quý trước, tuy nhiên có sự sụt giảm tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Cụ thể, số lao động có việc làm ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,4%, Vũng Tàu giảm 2,6%, Bình Phước giảm gần 4,0%, Nghệ An giảm 5,5%, Bắc Giang giảm 4,5%, Bắc Ninh giảm 0,9%, Thái Nguyên giảm 2,2%. Điều này làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động nói chung.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là khoảng 885.000 người, giảm 12.400 người so với quý trước và giảm hơn 443.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn, tương ứng là 1,31% và 2,34%. Như vậy, tình hình thiếu việc làm của người lao động giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, 2020-2023


Về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, do tình hình thị trường lao động quý I khá ổn định nên tỷ lệ người thất nghiệp cũng giảm đi. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi là khoảng 1,5 triệu người, giảm gần 35.000 người so với quý trước và giảm trên 65.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I vừa qua là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi là khoảng 7,61%, giảm 0,09 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,32 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,46%, cao hơn 2,81 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho hay, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong thời gian qua là 7 triệu đồng, tăng 197.000 đồng so với quý trước và tăng 640.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (lần lượt là 8,6 triệu đồng và 6,1 triệu đồng).

Tính chung quý I, thu nhập bình quân của người lao động tăng ở cả 3 khu vực kinh tế. Tuy vậy, sự gia tăng thu nhập của người lao động trong quý này không diễn ra ở tất các ngành kinh tế, trong khi thu nhập bình quân của người lao động một số ngành kinh tế tăng, một số ngành kinh tế khác có sự sụt giảm thu nhập bình quân so với quý trước

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất 3 giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử...

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội../.