Chiều nay 23/10, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Thêm cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Các đại biểu tham dự kỳ họp tại Nhà Quốc hội.
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau: Về đối tượng áp dụng; Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ; Về tiền dịch vụ; Về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động...
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam.
Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 và Điều 5 của Dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo.
Đại biểu Nguyễn Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, quy định như Phương án 1 trong Dự thảo luật: “Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập theo quy định của Luật Việc làm” là phù hợp với quy định của Luật Thỏa thuận quốc tế, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm đang hoạt động ở các tỉnh, thành phố, thực hiện 7 nhiệm vụ trong Luật Việc làm đã quy định. Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng là nơi tạo nguồn lao động cho các đơn vị xuất khẩu đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhất là tại thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cho ý kiến về đối tượng áp dụng, đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam; đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cũng thống nhất với Phương án 1, Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập thực hiện đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, phù hợp với quy định của Luật Việc làm và thực thi Luật Thỏa thuận quốc tế; đồng thời phải quy định rõ không thu tiền của người lao động và bảo đảm không phát sinh bộ máy, nhân lực. Đại biểu cho rằngn quy định theo phương án này sẽ phù hợp với thực tế tại các địa phương, giúp người lao động có việc làm, tăng thêm thu nhập, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa chưa có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.
Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc về việc có nên giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ về việc giao đơn vị sự nghiệp công lập do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quan điểm của đại biểu, đối với những công việc nào xã hội có thể đảm đương được thì nên cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, bởi thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt và nếu triển khai theo phương án này sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đã được cấp phép.
Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng Đảng và Nhà nước có chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó thị trường lao động là một trong những thị trường quan trọng cần được hoàn thiện đầy đủ theo quy luật của kinh tế thị trường. Trong Dự thảo Luật cho phép chủ thể không mang yếu tố thị trường tham gia thực hiện các hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng. Hơn nữa, trên thực tế, trong giai đoạn này, chúng ta cần có các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động, nhưng không nhất thiết phải thực hiện hỗ trợ người lao động thông qua các Trung tâm Dịch vụ việc làm công lập. Vai trò của các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói riêng cũng như giải quyết việc làm nói chung thời gian qua đã có kết quả, nhưng giai đoạn hiện nay có thể không còn phù hợp. Bởi người lao động có nhiều lựa chọn, cơ hội để đi làm việc ở nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm cũng rất phong phú, đa dạng, hiệu quả, không thực sự cần đến sự hỗ trợ của các Trung tâm Dịch vụ việc làm công lập. Đại biểu cho rằng, nên để thị trường thực hiện nhiệm vụ này, Nhà nước không cần thiết phải trực tiếp thực hiện, do vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ quy định này.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quy định tại Điều 70, 71 và 72, một số đại biểu đề nghị bổ sung các quy định nhằm tăng cường quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng cơ sở dữ liệu, kế hoạch, chiến lược về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; có định hướng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn mới.
Đại biểu Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho rằng, Điều 71 của Dự thảo Luật chưa giao cụ thể trách nhiệm, cũng như quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể chính sách đối người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hoặc giao Chính phủ, các bộ ngành quy định chi tiết để đảm bảo tính khả thi của luật.
Ngoài ra, tại Điều 32 quy định: “Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ khi người lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Tuy nhiên, tại Điều 71 của Dự thảo luật cũng chỉ quy định trách nhiệm chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mà chưa quy định về quản lý, vận hành và trách nhiệm cập nhật thông tin về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đại biểu Vương Văn Sáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai góp ý về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cho ý kiến về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, quy định tại các điều 67, 68 và 69 của Dự thảo luật, nhiều đại biểu không tán thành việc tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài. Có ý kiến tán thành việc duy trì Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước nhưng đề nghị cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của Quỹ để bảo đảm tính minh bạch trong thu, chi, sử dụng. Có ý kiến đề nghị đề nghị làm rõ tuy là Quỹ ngoài ngân sách nhưng lại là đơn vị sự nghiệp công lập, làm rõ về mục tiêu, hiệu quả và sự cần thiết của Quỹ; cơ sở của quy định trích 10% chi phí quản lý trong sự thống nhất và tương đồng với các quỹ khác.
Đối với quy định về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, một số đại biểu nêu ý kiến, quy định doanh nghiệp dịch vụ chỉ được giao cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chưa phù hợp với Luật Doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng nên hạn chế số lượng 03 chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để không xảy ra tình trạng khó kiểm soát, tiêu cực, lừa đảo đã xảy ra thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì lắng nghe và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện báo cáo Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về đối tượng áp dụng tại Điều 2 dự thảo Luật trong đó có vấn đề giao nhiệm vụ cho Trung tâm dịch vụ việc làm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trước nhu cầu từ các địa phương của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản, Chính phủ đã đồng ý cho 6 tỉnh làm thí điểm. Theo đó, 6 tỉnh này làm việc thí điểm với các địa phương của Hàn Quốc, chỉ tập trung đưa một lực lượng lao động ngắn hạn 3 tháng đến 5 tháng ở độ tuổi lao động cho đến 60 tuổi. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với Tuyên bố cấp cao ASEAN về lao động di cư mà Việt Nam đã cam kết; đây cũng là giải pháp để cắt giảm chi phí cho người lao động, bởi vì người lao động không phải trả tiền dịch vụ và tiền môi giới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm, ở đây không có tranh chấp với doanh nghiệp bởi hoạt động này hoàn toàn phi lợi nhuận. Trung tâm này chỉ thực hiện nhiệm vụ khi có thỏa thuận giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân một địa phương của Việt Nam với phía Hàn Quốc, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo với các Bộ là Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao đồng ý thì mới tiến hành. Như vậy, trung tâm này chỉ thực hiện ở công việc khi được giao. Hơn nữa, hoạt động này diễn ra ở những thời điểm nhất định, thời gian thực hiện trong 3 đến 5 tháng. Hoạt động này không làm phát sinh bộ máy, tổ chức mới.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, sau Kỳ họp thứ 9, Bộ đã có trao đổi lại với cơ quan quản lý lao động của 2 quốc gia là Hàn Quốc và Nhật Bản đang phối hợp để xuất khẩu lao động và nhận được câu trả lời là phía Hàn Quốc, Nhật Bản không thống nhất nếu giao cho doanh nghiệp thực hiện bởi đây là hoạt động phi lợi nhuận. Phía nước ngoài chủ đồng ý về nguyên tắc giao cho một đơn vị trực thuộc tỉnh, nhưng không thu phí, không có lợi nhuận. Do đó, không giao cho đơn vị phi lợi nhuận thì cũng có nghĩa là cơ hội tạo việc làm cho một bộ phận người lao động của sẽ mất đi.
Về Quỹ hỗ trợ việc làm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bày tỏ tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời cho biết thêm trong quản lý lao động ngoài nước rất cần quỹ này. Bản chất của quỹ như một cơ chế dự phòng, nhằm khắc phục rủi ro, tai nạn của người lao động, hỗ trợ để phát triển thị trường, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Quỹ này chỉ chi vào những khoản mà Nhà nước không đầu tư hoặc Nhà nước có đầu tư, nhưng không đáp ứng và những tình huống cấp bách. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian tới, sau khi Quốc hội cho phép có thể sẽ phải ban hành nghị định hoặc nếu luật cho phép có thể giao cho Thủ tướng ban hành quyết định thành lập quỹ và giao cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy với tinh thần không tăng bộ máy và không tăng biên chế.
Về minh bạch thu tiền dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2007 thì tất cả việc thu tiền dịch vụ, tiền môi giới của các doanh nghiệp đối với người lao động thực hiện bằng một quyết định. Thời gian vừa qua mặc dù có quy định công khai nhưng có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới từ thu phí đằng sau. Do đó, dự thảo Luật lần này tại Điều 24 quy định toàn bộ mức thu lệ phí và môi giới vào trong luật. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một tiến bộ rất lớn, đã cụ thể hóa nâng quy định của Nghị định vào Luật. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán cũng như trong các thỏa thuận quốc tế giữa các nước thường có quy định mức phí cụ thể như điều dưỡng viên thì mức khác, lực lượng lao động nông nghiệp mức khác. Do đó Ban soạn thảo đề nghị ngoài quy định ở trong Luật này thì cần phải thêm những quy định khác mà theo điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế giữa 2 quốc gia thì giao cho Chính phủ quy định.
Về lao động đường biên, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là nội dung hoàn toàn khác không chi phối được trong Luật này. Vì vậy Chính phủ giao đã cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương xây dựng một nghị định không đầu để quản lý việc này, để đảm bảo minh bạch nhất, nhanh nhất nhưng có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh sẽ phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội là cơ quan thẩm tra để tiếp thu ý kiến và trình với Quốc hội xem xét thông qua.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và nhiều nội dung của Dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất thêm một số vấn đề để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.