Sáng ngày 10/7/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức Họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng cục trưởng TCTK chủ trì buổi họp báo. Tham dự còn có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các đơn vị thuộc cơ quan TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí...

 

Quang cảnh họp báo

 

Theo báo cáo của TCTK, tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương ứng 17,6 triệu người). Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm; 897,5 nghìn người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế). Khu vực Dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 72,0% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực Công nghiệp và xây dựng với 67,8% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 25,1%.

Tình hình lao động việc làm quý II năm 2020, lực lượng lao động giảm sâu kỷ lục, lao động nữ là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với lao động nam trong bối cảnh dịch Covid-19. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II năm 2020 là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 35,0%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động là 20,9 triệu người, chiếm 44,7% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 6 tháng đầu năm 2020 đạt 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 34,3%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,5 triệu người, chiếm 44,9% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 là 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Lao động đã qua đào tạo từ trình độ “Sơ cấp” trở lên 6 tháng đầu năm 2020 ước tính là 13,0 triệu người, chiếm 23,9%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2020 là 53,0 triệu người, giảm gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lao động có việc làm giảm mạnh ở khu vực nông thôn, giảm gần 1,2 triệu người. Lao động nữ giảm 877,4 nghìn người, mức giảm này cao gấp 1,8 lần so với lao động nam (lao động nam giảm 498,0 nghìn người).  Lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2020 trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 17,6 triệu người, (chiếm 33,2%), giảm hơn gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 30,7%), tăng 178,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Dịch vụ là 19,1 triệu người (chiếm 36,1), giảm 257,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2020 là 55,6%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 62,1%, tương đương với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2020 là 2,58%, tăng 1,06 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tăng 1,2 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát trên thế giới, lao động không sử dụng hết tiềm năng có xu hướng gia tăng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích người lao động học tập nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động trong trạng thái “bình thường mới”, mặt khác cần tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động. Khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ phát huy tiềm năng và thế mạnh góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. Doanh nghiệp và người lao động cần nắm bắt nhu cầu lao động của nền kinh tế trong bối cảnh chuyển đổi phương thức sản xuất đáp ứng yêu cầu mới sau khi xảy ra dịch COVID-19 để đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu lao động trong xã hội./.

Nhóm PV