Chương trình được tái khởi động sau khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Giải pháp triển khai qua hình thức trực tuyến thuận tiện, đơn giản, đồng thời bảo đảm quy định về phòng, chống dịch. 

Với sự chuẩn bị tốt của các trung tâm dịch vụ việc làm tham gia lần này, phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối sáu địa phương được kỳ vọng bám sát thông tin thị trường lao động, mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu việc làm cho người lao động, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

Giao dịch việc làm trwucj tuyến tại Hà Nội. Ảnh: Phương Thanh


Hoạt động này được tổ chức không lợi nhuận, hoàn toàn miễn phí. Người lao động và người sử dụng lao động hoàn toàn không phải chi trả bất kỳ khoản tiền nào.

* Trước đó, vào ngày 25/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp sáu tỉnh, thành phố phía bắc để tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến đầu tiên của năm 2021, với hơn 10,1 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng. Qua đó, đã mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn Giao dịch việc làm, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn Thủ đô cũng như các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên.Kết quả phiên giao dịch việc làm trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày 25/3/2021đã có 624 lượt người lao động được tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường lao động; 482 lượt người tham gia phỏng vấn tuyển dụng. 198 người lao động trúng tuyển, nhận được việc làm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức thông tin, tuyên truyền trên website, fanpage. Nhờ vậy, cũng nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu và mở rộng cơ hội tuyển dụng cho doanh nghiệp cũng như người lao động ở địa bàn.

Theo nhận định của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hoạt động của các doanh nghiệp tại địa bàn Thủ đô đã dần trở lại sau thời gian dài giãn cách. Người lao động ngay lập tức đã có thể chủ động tìm kiếm công việc mới. Thời gian gần đây, trung tâm đã kết nối, tổ chức nhiều hoạt động tuyển dụng trực tuyến hỗ trợ người lao động tìm việc làm và người sử dụng lao động tìm được nguồn nhân lực phù hợp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, trong tháng 9 vừa qua do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý III/2021, đã tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm và hoạt động sản xuất – kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực tại địa bàn Thủ đô.

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian dài. Điều này dẫn đến tình trạng hàng triệu người lao động có nguy cơ mất thu nhập, giảm thu nhập và tạm dừng hợp đồng lao động; đặc biệt là nhóm lao động dễ bị tổn thương và trong khu vực kinh tế phi chính thức tập trung, nhóm lao động làm việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như thương mại bán lẻ, du lịch, sản xuất.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong quý III/2021, đã tác động tiêu cực đến tình hình
lao động việc làm và hoạt động sản xuất – kinh doanh

 

Một số ngành, nghề tiếp tục chịu ảnh hưởng mạnh trong tháng như: xây dựng, du lịch, nhà hàng… gần như không có nhu cầu tuyển dụng hoặc chỉ tuyển dụng với số lượng rất ít tại một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực ngành nghề ít hoặc gần như không bị ảnh hưởng và có nhu cầu tuyển dụng nhiều sau đợt giãn cách như công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng,…

Thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, dịch đã được cơ bản kiểm soát trên cả nước. Chiến lược phòng, chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, gắn với khôi phục các hoạt động kinh tế. Kịch bản thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (GSO), dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến tình hình lao động, việc làm ở Việt Nam trong quý III năm 2021. Cụ thể, hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 trên cả nước. Người lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

* Hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực về việc làm do dịch Covid-19:

– Có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%

– 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%

– 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7%

– 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.

+ Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong 9 tháng năm 2021: hơn 1,3 triệu người, tăng 126,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

– Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,99%.

PV