Sự kiện có sự tham gia của 33 doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Trong số này, có 12 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Tổng nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh tại phiên giao dịch việc làm đặc biệt này là 901 chỉ tiêu, với 340 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh dành riêng cho người khuyết tật.

Giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho NKT

Phát biểu khai mạc phiên GDVL, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, TP Hà Nội có khoảng hơn 100.000 NKT, trong đó khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. 

Hỗ trợ giải quyết việc làm nhằm tìm cho NKT một công việc phù hợp giúp họ tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng. Qua đó, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội mà còn khẳng định vai trò của NKT đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của TP Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho NKT. 

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Đây là hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ, cổ động những NKT khó khăn để họ có điều kiện học tập, tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập.

 Phiên GDVL chính là một trong các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn,
tăng cơ hội việc làm cho NKT

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội phiên GDVL chính là một trong các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tăng cơ hội việc làm cho NKT. Tuy nhiên, để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía cá nhân, người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”.

Phát biểu tại Phiên GDVL, Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho rằng những phiên giao dịch việc làm như thế này đã mang lại nhiều cơ hội cho NKT có việc làm, tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy của các đơn vị tuyển dụng lao động. Qua đó cũng giúp cho NKT hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực việc làm của NKT. Từ đó, giúp NKT đạt được những ước mơ trong cuộc sống, có thu nhập cho bản thân và gia đình…

Ông Dũng mong muốn, hình thức phiên giao dịch việc làm này luôn được duy trì, để người khuyết tật ngày càng có nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động. Đồng thời, mở rộng triển khai những hoạt động tương tự về các quận/huyện để phù hợp hơn với người khuyết tật đến tham gia.

Nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn

Kết quả tổng hợp từ phiên giao dịch việc làm cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 50,2%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 21,7%. Còn lại là nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật.

Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật đầu tiên của năm 2023 tuyển nhiều vị trí với mức lương hấp dẫn. Các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng như: Công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử…

Nhiều lao động khuyết tật có nhu cầu đăng ký học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp,
hay tìm kiếm một công việc ổn định và phù hợp hơn

Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội từ sáng sớm, anh Nguyễn Thế Sơn (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là người khuyết tật vận động tay. Anh Sơn từng làm qua nhiều công việc nhưng mức lương thấp, công việc không ổn định. Vì thế, khi biết tới Phiên GDVL này, anh tới đăng ký tìm kiếm cơ hội học nghề, chuyển đổi việc làm.

“Trước đây tôi từng làm nghề hàn, nhưng thu nhập thấp hơn nhiều so với các lao động cùng làm. Lý do là bởi sức khỏe yếu, năng suất lao động không cao bằng. Sau đó, tôi xin sang vừa học vừa làm nghề xâu hạt cườm, nhưng công việc không phù hợp. Tôi dự định thông qua Phiên GDVL để tìm kiếm cơ hội học nghề pha chế đồ uống để thay đổi công việc”, anh Sơn chia sẻ.

Cũng như anh Sơn, nhiều lao động có nhu cầu đăng ký học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, hay tìm kiếm một công việc ổn định và phù hợp hơn.

Tại phiên giao dịch việc làm, chị Trịnh Thị Đông, đến từ Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng (thôn 9, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho hay, doanh nghiệp cần tuyển 15 công nhân may và 15 công nhân làm hạt gỗ. Tùy theo dạng tật và sức khỏe, người lao động có thể được bố trí công việc phù hợp với khả năng.

Còn chị Phạm Thu Hiền, Công ty TNHH May xã hội 3/2 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, doanh nghiệp cần tuyển khoảng 10 công nhân may cờ, học nghề may công nghiệp. Công việc tại doanh nghiệp này khá phù hợp với người khuyết tật, với mức lương khoảng 5 triệu đồng. Lao động khuyết tật sẵn sàng được tiếp nhận, và có thể được đào tạo nếu chưa biết nghề. Hiện tại Công ty đang có 20 lao động khuyết tật đang làm việc./.



CTV