Ảnh hưởng chưa từng có về thất nghiệp, mất việc làm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ahmed AlRajhi, Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực và Xã hội Ả rập Xê út nước chủ nhà đăng cai Hội nghị nhìn nhận, nhiều người lao động đến nay không đủ lương để sống. Vì thế thách thức toàn cầu hiện nay là ổn định thị trường lao động, đồng thời phải thay đổi hệ thống bảo trợ xã hội, cũng như cần có các biện pháp hữu hiệu giảm thiểu tác động đại dịch lên thị trường lao động và nền kinh tế của chúng ta.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh tham dự điểm cầu trực tuyến tại Việt Nam

 

Theo ông Ahmed AlRajhi, đại dịch đã trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng chưa từng có về thất nghiệp, mất việc làm. Lao động giản đơn, phi chính thức, phụ nữ, và cả thanh niên… đều bị ảnh hưởng lớn.

Đồng thuận, ông Katsunobu Kato, Bộ trưởng Y tế Lao động, Phúc lợi xã hội Nhật Bản cũng cho rằng, trước khủng hoảng gây ra bởi dịch bệnh, thị trường lao động toàn cầu gặp nhiều vấn đề, đặc biệt là người dân mất việc làm và thu nhập.
Ông Katsunobu Kato cho biết, Nhật Bản hiện cố gắng ứng phó với dịch này bằng cách bảo vệ người dân, nhằm giảm các thiệt hại do Covid-19 gây ra. Để vượt qua những thách thức này, Chính phủ Nhật đã thông qua một gói hỗ trợ trị giá 10.000 tỷ Yên. Cho thấy quốc gia này quyết tâm khắc phục hậu quả Covid-19, cùng các gói hỗ trợ duy trì việc làm, mở rộng phạm vi hỗ trợ đối với người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài hỗ trợ duy trì việc làm, thì bảo vệ người lao động khỏi những sự phân biệt đối xử trong dịch bệnh cũng là ưu tiên của Nhật Bản; Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động đối với những nhân viên y tế, các bộ Y tế. Chính phủ Nhật cũng sẽ bảo vệ sinh kế người dân, cố gắng phục hồi kinh tế.
Khẳng định sự cần thiết tổ chức Hội nghị này, bà Nunzia Catalfo, Bộ trưởng Bộ lao động và Chính sách Italia nhấn mạnh, ảnh hưởng bởi Covid-19 là rất lớn, và các quốc gia đều nỗ lực cố gắng tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp; các Chính phủ chuẩn bị cho cách ly xã hội, và phải thừa nhận rằng, sự cách ly để bảo đảm an toàn tránh lây lan dịch bệnh đã ảnh hưởng lên lao động rất lớn.

“Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19” - Ảnh chụp màn hình


"Italia là một nước Châu Âu có số lượng lây lan dịch bệnh lớn, và chúng tôi cũng đã có các biện pháp ứng phó, hỗ trợ người lao động. Các biện pháp ở trong hệ thống phúc lợi xã hội đã thống nhất bảo vệ những người lao động, nhân  viên Y tế - đây là một trong nhưng ưu tiên hàng đầu của Italia. Và chính sách chúng tôi là không ai bị bỏ lại phía sau", bà Nunzia Catalfo nói.

Bộ trưởng Bộ lao động và Chính sách Italia cho biết, hiện Italia đã tái khởi động các hoạt động ở một số cơ sở để bảo đảm an toàn và điều quan trọng là các quốc gia phối hợp ứng phó khủng hoảng do đại dịch, đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ít bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cố gắng bảo vệ duy trì, và lập ra kế hoạch trong dài hạn.
Mất việc làm tăng nhanh trên toàn thế giới
Cho rằng, đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ II, mất việc làm tăng nhanh trên toàn thế giới, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder tính toán, Covid-19 đã khiến giờ làm giảm mạnh.
"200 triệu giờ làm là số giờ bị giảm trong quý II trên toàn cầu. Nghèo đói và bất bình đẳng đang gia tăng. Nạn đói đang trở lên trầm trọng hơn bất cứ gì chúng ta chứng kiến", ông nói và ghi nhận, các gói hỗ trợ kích thích kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội các nước rất kịp thời, giúp duy trì việc làm trên thế giới.
"Các nước G20 thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo duy trì việc làm. Đây là những việc quan trọng để phục hồi bền vững. Các chính sách Y tế, việc làm phải được phối hợp với nhau, đoàn kết toàn cầu phải được đảm bảo mới có thể vượt qua đại dịch", Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh thêm.
Bà ILham Aldakheel, Chủ tịch nhóm Tương lai việc làm và giáo dục B20 (đại diện giới chủ) nhấn mạnh, B20 có đủ khả năng kết nối các đối tác xã hội để hành động. Và mong hợp tác với các Chính phủ G20 để tạo ra các kế hoạch hành động của G20 về việc làm.
Phải ưu tiên để các doanh nghiệp sống được, giữ việc làm cho người lao động, tối đa hóa nhanh chóng các cơ hội phục hồi kinh tế, bà ILham Aldakheel nêu G20 có thể cung cấp, và phối hợp ở cấp toàn cầu để bảo vệ chuỗi cung ứng trên toàn thế giới hiện đang bị gián đoạn.
Tính đến ngày 17/4/2020, đã có 133 quốc gia lên kế hoạch đưa ra hoặc thông qua 564 biện pháp can thiệp bảo trợ xã hội và việc làm - Giám đốc Toàn cầu về Bảo trợ xã hội và Việc làm World bank, ông Michal Rutkowski cho biết.
Để ứng phó với Covid-19, WB cũng đã triển khai nhiều gói kinh tế. Đơn cử, sắp tới WB chuẩn bị triển khai tới 160 tỷ USD trong 15 tháng tới. IDA (Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc WB) sẽ cung cấp 50 tỷ đô la trong tổng số đó với các điều khoản tín dụng ưu đãi cao.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các quốc gia đều bày tỏ sự cần thiết tổ chức "Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Lao động và Việc làm đặc biệt G20 về Covid-19", để cùng nhau bàn bạc và đưa ra các giải pháp, nỗ lực chung, trên tinh thần đoàn kết để giải quyết những ảnh hưởng đan xen về Y tế, xã hội, kinh tế; bảo vệ việc làm và thu nhập của người dân.
Các nhà Lãnh đạo G20 đã ủng hộ việc đưa ra Tuyên bố cấp Bộ trưởng về Covid-19. Và tại Hội nghị, đã ra Tuyên bố của Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 về Covid-19.
Tuyên bố nhấn mạnh, các Bộ trưởng Lao động và Việc làm G20 sẽ tiếp tục hợp tác và phối hợp với các Bộ trưởng G20 khác trong việc xây dựng và thực hiện các biện pháp toàn diện, hiệu quả để giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với xã hội và thị trường lao động trong nước cũng như trên toàn cầu.
"Chiến đấu và vượt qua đại dịch là ưu tiên cao nhất, hàng đầu của chúng ta", Tuyên bố nêu rõ.

Theo Cổng TTĐT Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội