Ngay trong những ngày đầu nghỉ lễ 30/4, 1/5, đồng loạt cả 30 quận, huyện của thủ đô đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng là các gia đình chính sách, người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Nhằm kịp thời chi trả hỗ trợ nhanh cho các đối tượng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động tạm ứng từ các nguồn tài chính hợp pháp của ngân sách quận, huyện, thị xã để chi trả theo đúng quy định.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tại các điểm chi trả tiền hỗ trợ cho người dân đã được UBND các phường, xã chuẩn bị từ rất sớm, mặc dù là ngày nghỉ lễ, song các yêu cầu về phòng, chống dịch vẫn được các lực lượng chức năng thực hiện một cách nghiêm túc. UBND các phường, xã đã huy động lực lượng Đoàn Thanh niên, Công an phường… tham gia hỗ trợ người dân, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực chi trả tiền hỗ trợ. Nhờ đó, công tác chi trả tiền hỗ trợ được diễn ra thuận lợi, an toàn, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.
Người dân nhận tiền hỗ trợ tại UBND phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Theo đó hơn 505 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ đã được gửi đến tận tay các nhóm đối tượng thụ hưởng. Đống Đa là một trong những quận của thành phố triển khai từ rất sớm, ngay từ tối 29/4 đồng loạt cả 21 phường đã thực hiện chi trả cho hơn 8.300 đối tượng thụ hưởng, với hơn 11,4 tỷ đồng. Tại quận Tây Hồ, cả 8 phường thuộc quận chi trả cho 2.782 đối tượng thụ hưởng với tổng số tiền trên 4.1 tỷ đồng. Cùng với UBND phường, lực lượng chức năng sẽ tiến hành chi trả tại tổ dân phố đảm bảo nhanh nhất, đúng nhất và đảm bảo an toàn phòng dịch theo quy định.
Tại Quận Thanh Xuân thực hiện chi trả hơn 5 tỷ đồng cho 3.745 đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ cận nghèo trên địa bàn. Các đối tượng trên địa bàn 11 phường của quận đã nhận hỗ trợ, cụ thể: 2.075 người có công và thân nhân người có công nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người; 1.556 người là đối tượng bảo trợ xã hội với mức 1,5 triệu đồng/người; 55 hộ cận nghèo (114 nhân khẩu), gồm 21 người được trợ cấp mức 3 triệu đồng/người và 93 người được trợ cấp mức 750 nghìn đồng/người.
Để phát huy hiệu của của gói an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ, UBND thành phố Hà Nội sẽ tăng cường vai trò giám sát của Ban công tác mặt trận tại cơ sở. Đồng thời yêu cầu các cơ quan thanh tra, kiểm tra, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất để đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Theo số liệu của UBND TP Hà Nội, tổng cộng có 414.992 người được hưởng trợ cấp trong đợt này từ gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng với tổng kinh phí là 505,607 tỉ đồng; trong đó: Người có công với cách mạng là 77.116 người (kinh phí hỗ trợ 115,674 tỉ đồng); đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là 182.105 người (kinh phí hỗ trợ 273,157 tỉ đồng); nhân khẩu thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo của TP. Hà Nội là 26.789 người (kinh phí hỗ trợ 20,091 tỉ đồng); nhân khẩu thuộc hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của TP Hà Nội là 128.912 người (kinh phí hỗ trợ 96,684 tỉ đồng)./.