Không phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ

Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Trong đó, về tuyển dụng viên chức, dự thảo Nghị định đề xuất một số nội dung mới so với quy định hiện hành. Cụ thể, Bộ Nội vụ cho biết, so với quy định tại Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, dự thảo Nghị định quy định rõ hơn về việc các đơn vị sự nghiệp có thể bổ sung các điều kiện khác (ngoài các điều kiện quy định trong Nghị định) đối với các vị trí việc làm khi tuyển dụng nhưng những điều kiện này không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ, trường công lập, trường ngoài công lập. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về trường hợp đặc thù, cho phép tuyển dụng những người có độ tuổi thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, nhưng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh quy định về thẩm quyền tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ. Theo đó thẩm quyền tuyển dụng viên chức được quy định rõ cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức, thay vì giao thẩm quyền này cho cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập như quy định pháp luật trước đây. Việc điều chỉnh quy định này nhằm tăng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan cấp trên của đơn vị sự nghiệp trong tuyển dụng viên chức.

Ảnh minh họa (Nguồn: hanoimoi.com.vn) 


Đồng thời, rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Bộ Nội vụ lý giải, hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.

Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Đồng thời, tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm. Do vậy, việc quy định người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm mục tiêu giảm thiểu các quy định về hành chính, bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; đồng thời, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai Đề án ngoại ngữ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008.

Không bố trí người thân của thí sinh trong Hội đồng tuyển dụng viên chức


Điểm mới khác tại dự thảo nghị định là quy định rõ ràng hơn về Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức đối với trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức; Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức. Dự thảo Nghị định cũng quy định các Ban của Hội đồng tuyển dụng, bao gồm: Ban kiểm tra Phiếu đăng ký dự tuyển; Ban đề thi; Ban coi thi; Ban phách; Ban chấm thi; Ban chấm phúc khảo (nếu có); Ban kiểm tra sát hạch khi tổ chức thực hiện phỏng vấn hoặc thực hành tại vòng 2.

Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa tính minh bạch của kỳ tuyển dụng, thăng hạng viên chức, tránh tình trạng có người nhà, người thân tham gia Hội đồng, các ban giúp việc, dự thảo Nghị định bổ sung quy định không bố trí những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ hoặc con nuôi của người dự thi hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật làm thành viên Hội đồng tuyển dụng, làm thành viên các Ban giúp việc của Hội đồng tuyển dụng, thăng hạng.

Dự thảo Nghị định quy định cụ thể cho từng trường hợp ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn và hợp đồng làm việc không xác định thời hạn. Về ký kết hợp đồng làm việc và nhận việc, dự thảo Nghị định có bổ sung nội dung mới so với các quy định trước đây để làm cơ sở xử lý trường hợp viên chức chuyển đổi đơn vị làm việc, cụ thể: “Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức; đồng thời, thực hiện chế độ tiền lương đối với viên chức phù hợp trên cơ sở căn cứ vào loại hình hợp đồng làm việc của viên chức đang được ký kết tại đơn vị sự nghiệp trước khi chuyển công tác, năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức”./.

Minh Thư