Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; lãnh đạo một số Cục, Vụ chuyên môn thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; đại diện một số hiệp hội nghề nghiệp, một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các cơ quan báo chí, truyền thông…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ đã quán triệt "chấp nhận hy sinh những lợi ích kinh tế để bảo vệ sự an toàn cho người dân". Nhiều biện pháp chống dịch được người dân đồng tình ủng hộ, Việt Nam được xem là hình mẫu trong phòng, chống Đại dịch COVID  -19.

Thành công trong phòng chống Đại dịch COVID -19 đã mang lại vị thế và uy tín cho Việt Nam trên trường quốc tế, việc này mở ra những cơ hội thu hút đầu tư, rất có thể sẽ có những làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, trước mắt, để tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn cũng như lâu dài về lao động, việc làm cho doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị này nhằm nắm bắt những khó khăn thực tế cũng như tiếp nhận những đề xuất kiến nghị của các doanh nghiệp. Qua đó, sẽ tổng hợp, đánh giá và tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về các giải pháp, chính sách phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng: Sự ảnh hưởng của Đại dịch COVID 19 đã và đang tác động đến thị trường lao động ngày càng rõ nét hơn. Tình trạng lao động bị giãn việc, ngưng việc và mất việc làm ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong bối cảnh Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi Đại dịch COVID -19, nhiều lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng như: Du lịch, dịch vụ lưu trú, hàng không… cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hầu hết gặp khó khăn…

 

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, đồng chí Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm đã khái quát về tình hình thị trường lao động, việc làm, đặc biệt về sự ảnh hưởng của Đại dịch COVID -19 đối với thị trường lao động, việc làm. Trong khi người lao động bị mất việt làm gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm lại rất thấp. Theo tính toán sơ bộ, tính đến tháng 6/2020 cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19 bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…  Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng (tương đương 17,6 triệu người); 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc… 

 

Quang cảnh Hội nghị

Đóng góp ý kiến tham luận tại Hội nghị, đại diện của một số doanh nghiệp: Tổng công ty du lịch Hà Nội; Tổng công ty du lịch Sài Gòn; Tổng Công ty hàng không Việt Nam;… cho rằng, hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các hoạt động đều bị giãn đoạn, bị ngưng trệ. Nhất là các doanh nghiệp dệt may như Công ty May 10; Công ty dệt may Hà Nội đều gặp khó khăn do hàng hóa tồn kho nhiều, nguyên liệu đầu vào thiếu do nguồn cung ứng quốc tế bị giãn đoạn. Khách hàng quốc tế tạm hoãn, hủy đơn hàng dẫn đến nguồn tài chính, dòng tiền của các doanh nghiệp khó khăn…

Theo đó, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được các đại biểu, các doanh nghiệp đóng góp cho Hội nghị, trong đó có những kiến nghị như đề nghị được hoãn, miễn đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động bị ngưng việc, mất việc làm, hay làm sao để các doanh nghiệp được tiếp cận với các nguồn vốn vay chính sách ưu đãi từ ngân hàng chính sách...

 

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói: Ngay khi Đại dịch COVID 19 bùng phát ở một số quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 đồng bộ, quyết liệt cũng như ban hành kịp thời các chính sách nhằm hỗ trợ an sinh xã hội như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Đại dịch COVID -19. Có thể khẳng định, những chính sách này đã thể  hiện sự đồng hành của Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và người lao động… với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Với tinh thần đó, Hội nghị hôm nay ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu, doanh nghiệp… các Cục, Vụ, bộ phận chuyên môn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp, phân tích, nghiên cứu và tham mưu với lãnh đạo Bộ những đề xuất, kiến nghị về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của Đại dịch COVID -19 để sớm có những chính sách phù hợp./.

PV