Với xu thế phát triển chung của thế giới và xu hướng ngày càng hội nhập sâu rộng của đất nước, nhu cầu lao động không ngừng gia tăng theo năm, tháng. Song trong điều kiện thị trường lao động cạnh tranh ngày càng khốc liệt, những năm gần đây, người học đã bắt đầu đi theo hướng chọn lựa ngành học dựa vào nhu cầu thực tế của xã hội chứ không chỉ quyết định nộp hồ sơ đăng ký học dựa vào sở thích của người thân hay những lý tưởng xa rời thực tế. Chính vì thế, các trường đại học (ĐH), Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp cũng phải cân nhắc rất kỹ về những chuyên ngành đào tạo của mình để đáp ứng nhu cầu người học. Bên cạnh đó, các trường cũng phải tính đến việc đào tạo như thế nào để vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng đồng thời gắn việc học tập với thực hành, nâng cao kiến thức thực tế cho sinh viên để làm hài lòng các nhà tuyển dụng.

Toàn cầu hóa và kinh tế thị trường đã tạo ra bao cơ hội và điều kiện thuận lợi cho hợp tác và phát triển sản xuất. Song hành với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam với thế giới, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của những ngành khác. Tại Việt Nam, ngoài thành phần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì hiện nay, Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ rất lớn. Đây cũng chính là đối tượng có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất hiện nay. Thực tế cho thấy các Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có quy mô không lớn, song đây là thành phần kinh tế rất năng động, nhạy bén và dễ thích nghi với sự thay đổi của nền kinh tế. Song cũng chính từ việc năng động đó dẫn đến sự thay đổi thường xuyên các trang thiết bị cho sản xuất kinh doanh, người lao động nhận thấy nếu không học tập nâng cao trình độ chuyên môn cho phù hợp xẽ bị đào thải. Điều này đặt ra vấn đề phải thường xuyên nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại cho công nhân phù hợp với trình độ của công nghệ mới và sát với trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Một thực tế hiện nay (tuy có giảm) sẽ vẫn diễn ra là những người lao động có trình độ từ đại học trở lên chủ yếu làm việc trong khu vực hành chính sự nghiệp. Tỷ lệ lao động khoa học – công nghệ trực tiếp làm việc ở khu vực doanh nghiệp còn ít. Thực trạng này tạo nên nguy cơ kém hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế này đòi hỏi sự nghiệp đào tạo nghề trong các trường công nhân, kỹ thuật, cao đẳng dạy nghề phải gắn hơn nữa với thực tiễn, phải đổi mới quy trình đào tạo, để công nhân, kĩ thuật, sinh viên...sau khi ra trường có nguyện vọng làm tại các doanh nghiệp.

 

Ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc phát biểu tại Hội nghị

 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, trước mắt thị trường lao động Việt Nam cần tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và thị trường. Khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cần sớm được kiện toàn. Chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên; Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo nông thôn, thí điểm đặt hàng hợp đồng với trung tâm dich vụ việc làm và  các tổ chức, đơn vị có liên quan khác… để thực hiện các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm.

Với thực tế hiện nay, điều tất yếu để sự gắn kết giữa dạy nghề với việc làm, giữa cơ sở đạo tạo và người học nghề, giữa chủ sử dụng lao động và người lao động và trung tâm dịch vụ việc làm giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam; cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho sự gắn kết; nâng cao hơn nữa vai trò đầu mối của Cục Việc làm – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Phải tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm những điển hình tốt từ các địa phương về sự hợp tác giữa các bên, đặc là thông tin về việc làm, về nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ cho sự phát triển các chương trình giáo dục phù hợp với yêu cầu thị trường lao động; Cục Việc làm và Trung tâm giới thiệu nghề nghiệp tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tổ chức các khuôn khổ về hợp tác giữa ba bên dạy nghề, thị trường lao động và doanh nghiệp nhằm góp phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hẹp những khoảng cách giữa đào tạo nghề và nhu cầu thị trường lao động.

Bài, ảnh: Thanh Cao