Tiếp theo kết quả Hội thảo được tổ chức tại Quảng Ninh và Bình Dương, ngày 29/5/2020, tại Hà Nội, Cục Việc làm, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp tục tổ chức Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Lãnh đạo Cục Việc làm, đại diệc các vụ chuyên môn thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Các đại biểu đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giáo dục và Đào tạo…

 

Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đồng chí Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: Chính sách BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230.000 người được hỗ trợ học nghề. Bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã chỉ rõ chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, Trong thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm trong có có các nội dung về bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại về năng lực và hiệu quả hoạt động cũng như vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm nhằm nâng cao vị thế, vai trò đối với việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nói riêng và việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương nói chung.  Đồng chí Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các đại biểu tập trung lắng nghe và tích cực trao đổi, chia sẻ các ý kiến đóng góp, những kinh nghiệm hay trong thực tiễn triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp và góp ý trực tiếp vào các dự thảo.

Quang cảnh hội thảo 

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho Đề án: Từ ưu-nhược điểm của chính sách BHTN hiện hành cũng như 11 nhóm giải pháp theo dự thảo của Đề án. Các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại , bất cập cụ thể như chính sách BHTN dành cho lao động là người nước ngoài; các chế độ hỗ trợ người lao động học nghề, tái đào tạo nghề... Phần lớn các đại biểu cho rằng: Chính sách BHTN hiện hành chưa thể hiện hết vai trò của BHTN... Đề án cần bổ sung thêm các yếu tố để BHTN không dừng lại chỉ là chi trả tiền hỗ trợ thất nghiệp (mất việc làm của người lao động). Cần để BHTN thực sự phát huy vai trò một cách chủ động hơn từ khâu tư vấn, đào tạo, giới thiệu việc làm...

Tiếp thu ý kiến đóng góp cho Đề án, lãnh đạo Cục Việc làm ghi nhận các ý kiến của các đại biểu là hết sức xác đáng, có tính thực tiễn cao. Cục Việc làm tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh dự thảo cho Đề án, qua đó góp phần hoàn thiện chính sách BHTN tốt nhất để trình các cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ./.

PV