Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Nguyễn Văn Lâm
phát biểu tại hội thảo.
Mới đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Xu hướng ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo nhằm nhìn nhận, đánh giá thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đó áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến nhìn nhận công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian vừa qua đã có nhiều kết quả khả quan, cung cấp các kiến thức chuyên môn - kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế, khó khăn được nhận định như: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Một số lao động khi được hỗ trợ chi phí học nghề còn tâm lý chưa chấp hành tốt nội quy học tập, không đi học đều hoặc bỏ học giữa chừng, không ít người lao động vì mưu sinh trong đời sống cấp thiết hoặc chưa hiểu đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề nên không học nghề. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý đào tạo nông thôn ở cấp huyện chưa có chuyên trách, thiếu thường xuyên kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện…
Về giải pháp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, toàn cầu hóa trở nên sâu sắc hơn, sự thay đổi diễn ra với phạm vi, cường độ và tốc độ lớn hơn và khó dự báo hơn… Vì vậy, ngành giáo dục, đào tạo nghề nghiệp TP cần phải có sự chuyển biến mạnh mẽ ở các nội dung: mô hình, chương trình, phương thức đào tạo; giáo dục nghề nghiệp phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản cần thiết để người lao động dễ chuyển đổi nghề nghiệp, có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục trong thị trường sức lao động trong nước, khu vực và quốc tế, tránh nguy cơ bị mất việc làm khi thị trường sức lao động có sự tham gia của lực lượng lao động tự do dịch chuyển trong khối Asean.
Một số ý kiến cho rằng thành phố cần đào tạo nghề gắn với việc giới thiệu việc làm và tiêu thụ sản phẩm cho người lao động; mức hỗ trợ tiền học phí và tiền ăn cho người học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ - TTg được quy định từ năm 2009 đến nay không phù hợp, không thu hút được người lao động nhàn rỗi ở nông thôn đi học nghề để có điều kiện giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân về học nghề trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là lao động trẻ việc đào tạo nghề là một nhu cầu, một yếu tố cần thiết để đảm bảo cuộc sống lâu dài cho bản thân, cho gia đình.
Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Lâm cho biết: Trong thời tới, thành phố tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của thành phố như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, lươn, bò thịt, chim yến…
“Chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố trên các địa bàn quận, huyện luôn đạt và vượt trong thời gian vừa qua. Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề cần được nhận diện, đưa ra các giải pháp hữu hiệu để việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự là bước nhảy vọt, là điểm nhấn của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thành phố”- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tp. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Lâm nhấn mạnh và cho rằng việc đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tìm kiếm các giải pháp, kinh nghiệm hữu hiệu trong việc áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác giáo dục nghề nghiệp nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng sẽ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong sản xuất, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Từ năm 2010 – 2019, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 717.000/847.000 lao động nông thôn đã qua đào tạo, đạt 84%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua được đánh giá cao, cung cấp các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động./.