Để bảo vệ quyền lợi của người lao động theo đúng quy định của pháp luật, ngày 14/6, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đài Truyền hình TP (HTV) tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 6-2020 với chủ đề “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp - Quyền lợi người lao động”.
Về thực trạng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay trên địa bàn TP, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP cho biết, hiện nay số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn còn thấp. Cụ thể, năm 2017, lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội chiếm 51,65%; năm 2018 là 52,89% và năm 2019 là 53,91%. Đối với bảo hiểm thất nghiệp, lực lượng lao động tham gia năm 2017 là 50,53%, năm 2018 là 50,61% năm 2019 là 52,24%.
Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 6/2020 (ảnh: V.L)
Sở dĩ việc người lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp là bởi chủ sử dụng lao động thường cố tình không tham gia cho người lao động hoặc tham gia với tính chất cố tình né tránh, không tham gia đủ tổng số lượng lao động. Ngoài ra, bản thân người lao động cũng còn chưa hiểu hết quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng người lao động hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2018 là trên 115.000 người, thì 2019 đã trên 116.00 người.
Đặc biệt, trên địa bàn TP, hiện có khoảng 89.565 đơn vị có sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng trong đó có 42. 680 đơn vị (chiếm 47,65%) đang còn nợ đọng bảo hiểm. Chính điều đó, tạo ra mất cân đối trong thu và chi cũng như ảnh hưởng tới việc bảo vệ quyền lợi, chế độ cho người lao động khi: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất.
Trước thực trạng này, các đại biểu cho rằng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải tiến, rút ngắn thủ tục, cải cách hành chính, linh hoạt trong hoạt động chi trả thì chế tài xử phạt các vi phạm cần phải thật sự nghiêm minh, đủ sức răn đe.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, có một số người trục lợi, họ mua bán sổ bảo hiểm như một món hàng cầm cố, thế chấp, hoặc “lách luật” bằng cách ủy quyền. Theo ông Hậu, nếu trước đây, việc không đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chỉ xử lý hành chính thì giờ đây chúng ta coi đó là tội phạm, và chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố.
Số lao động thất nghiệp gia tăng đồng nghĩa với việc số lao động tìm kiếm việc làm tăng mạnh
Qua khảo sát cũng cho thấy có người còn lập khống, có những công ty thành lập ký hợp đồng với rất nhiều lao động nhưng số lao động ấy không làm việc tại đơn vị đó mà họ vẫn tham gia bảo hiểm để với mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Cũng có những đơn vị thực tế có rất đông lao động nhưng lại không chịu đóng bảo hiểm. Số tiền nợ đọng lên tới vài chục tỷ đồng.
Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội TP, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP cần xem xét, sớm khắc phục những mặt hạn chế nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thành phố cũng sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi trốn đóng bảo hiểm, gian lận, trục lợi; tiếp tục cải cách quy trình thủ tục, thực hiện giao dịch điện tử với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp với các quận, huyện tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ chính sách.
Trước thực tế hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nên số lao động thất nghiệp ngày càng tăng, Phó Chủ tịch UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị cần quan tâm, đảm bảo quyền lợi cho người lao động nhất là hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cũng như giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm tới giữa tháng 6, trên địa bàn TP đã có 82.000 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 70.000 người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy định, người lao động có thời gian nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Bà Phượng nhận định, rất có thể, từ sau tháng 5/2020, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TP sẽ còn tăng cao.
Hiện, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh đang tích cực hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hỗ trợ học nghề cho người lao động. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin cung, cầu lao động qua website www.vieclamhcm.net để người lao động dễ dàng tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm để người lao động và doanh nghiệp trực tiếp gặp gỡ, trao đổi và tuyển dụng. |