Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH với phương châm hành động Chính phủ đã đề ra là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định phải nỗ lực với quyết tâm cao nhất, kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế của năm 2018; tập trung, kiên trì, quyết liệt thực hiện và đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2019.

Với mục tiêu tổng quát là tiếp tục hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao cho như sau: Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1-1,5%; riêng các huyện nghèo nghèo giảm 4%. Cụ thể chỉ tiêu ngành là giải quyết việc làm cho 1.600 nghìn người lao động; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 32,5-33%; giáo dục nghề nghiệp khoảng 2.260 nghìn người (bao gồm trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác; tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 2.195 nghìn người; 99,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ người có công; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 84% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; 89% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; cai nghiện cho 100% người nghiện; 100% các trường hợp nạn nhân bị buôn bán được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

       Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị

Để thực hiện các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra một số giải pháp quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch năm 2019 cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế. Thực hiện đúng tiến độ xây dựng các đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ. Trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); trình ủy ban Thường vụ của Quốc hội đưa dự án xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2020; trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành kịp thời, đúng tiến độ.

Hai là, phát triển, đổi mới giáo dục nghề nghiệp gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xây dựng và thực hiện lộ trình tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý; chú trọng đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương thuộc các vùng KT-XH khó khăn, vùng kinh tế trọng điểm.

Ba là, hoàn thiện, phát triển thị trường lao động. Chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, khớp nối cung - cầu nhân lực trong nước và quốc tế. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động.

Bốn là, thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động. Quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chính sách pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về an toàn - vệ sinh lao động; ưu tiên nguồn lực để triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Năm là, tăng cường công tác người có công với cách mạng. Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về người có công, bảo đảm công khai, minh bạch. Mở rộng chi trả chính sách người có công, làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Sáu là, thực hiện giảm nghèo bền vững. Ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh...).

Bảy là, thực hiện hiệu quả, đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, đảm bảo người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản bị thiếu hụt, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ đột xuất, bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời.

Tám là, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

Chín là, thực hiện về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo và cơ quan dân cử; phòng ngừa và ứng phó với bạo lực; hỗ trợ các địa phương xây dựng và thực hiện các mô hình về bình đẳng giới; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến phụ nữ... từ đó góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Mười là, tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán; tăng cường quản lý địa bàn; thực hiện tư vấn tâm lý, pháp lý, sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp xã hội với những đối tượng tệ nạn, tạo cơ hội cho họ hòa nhập cộng đồng bền vững; xây dựng mô hình phòng ngừa, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội sẽ triển khai tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ; đẩy mạnh công tác thông tin và tuyên truyền, thực hiện quy chế phát ngôn, tăng cường kỷ luật báo chí, tạo sự đồng thuận trong thực thi chính sách, pháp luật; tích cực, chủ động mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước; đảm bảo nguồn lực, cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ của ngành; triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, kịp thời nắm chắc những diễn biến bất lợi để đề xuất các biện pháp xử lý... đảm bảo thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2019
của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Trên đây là nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2019 về lĩnh vực lao động việc làm và người có công. Với sự quyết tâm phục vụ nhân dân vì một đất nước hội nhập và phát triển, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đưa ra những giải pháp cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhất. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp về thể chế, giáo dục nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động, hoàn thiện chính sách tiền lương, tăng cường công tác người có công, thực hiện giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế, xây dựng môi trường sống chăm sóc bảo vệ trẻ em, thực hiện về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, phòng, chống tệ nạn xã hội... Với các giải pháp chi tiết cụ thể như trên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tin rằng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nguyễn Mai Hoa