So với các hình thức khác, lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm khá ổn định, thủ tục vay nhanh gọn, phù hợp với nguyện vọng những hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất đang thiếu vốn.

Một mô hình chế biến gỗ rừng trồng của đoàn viên, thanh niên huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Ảnh: dangcongsan.vn


Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, giai đoạn 2017-2019, doanh số cho vay từ Quỹ là hơn 121,2 tỷ đồng với khoảng 4,5 nghìn lượt khách hàng được vay vốn. Qua đây, giúp nhiều người dân có vốn khởi nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh bảo đảm thu nhập để thoát nghèo, trở thành hộ khá, giàu tại địa phương.

Để giúp người dân tiếp cận thuận lợi và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Đến nay, nguồn vốn của chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực, chất lượng tín dụng an toàn, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp. 

Thời gian qua, Đơn vị đã cử cán bộ xuống cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận ủy thác như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các tổ tiết kiệm để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã và lập danh sách báo cáo để phân bổ. Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn.

Đồng thời, phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý kịp thời với các hộ bị rủi ro có nguyên nhân khách quan. Để tăng hiệu quả sử dụng vốn cho vay, trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thẩm định chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Nguồn quỹ giải quyết việc làm có ý nghĩa lớn người dân và các doanh nghiệp bởi từ đồng vốn vay ưu đãi đó, họ có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng quy mô ngay tại địa phương. Giúp nhiều người có sinh kế ổn định để tăng thu nhập, nhất là lao động trung tuổi khó tìm việc làm ở trong các doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, trước những bất cập trong quy định về mức vay và thời hạn cho vay ở Nghị định 61, ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 74 nhằm nâng mức vay ưu đãi với doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động. Cụ thể, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án (trước đây là 1 tỷ đồng). 

Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây là 60 tháng). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (7,92%/năm) thay vì trước đây là bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo (6,6%/năm). Sự điều chỉnh này góp phần xóa bỏ tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước với các trường hợp được vay, tăng hiệu quả nguồn vốn vay.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐTBXH) cho biết: "Khi Nghị định 74 có hiệu lực (từ tháng 11/2019), việc bổ sung thêm vốn, tăng hạn mức, thời hạn cho vay đã tăng cơ hội tiếp cận và giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay của người dân các địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động cho vay vẫn còn những khó khăn, bất cập như: Đối tượng vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên số người có việc làm mới không nhiều, chất lượng việc làm tạo ra chưa cao, thiếu bền vững. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã vay vốn còn ít".

Còn theo ông Ngô Gia Quát, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, dù mức vay, thời hạn và lãi suất vay đã được cải thiện nhưng hằng năm, nguồn vốn Trung ương, ngân sách các địa phương đối ứng để bổ sung vào Quỹ khá khiêm tốn, số cho vay chủ yếu từ vốn quay vòng. Vì thế, dư nợ của chương trình này rất thấp, chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh. Do đó, Quỹ mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Thời gian tới, để chương trình đạt hiệu quả, Ngân hàng CSXH đề nghị Chính phủ tăng nguồn bổ sung, các địa phương cân đối ngân sách để đối ứng, đáp ứng tối đa nhu cầu của người vay. Đơn vị sẽ tăng cường hướng dẫn, phối hợp với ngành chức năng, đơn vị ủy thác lựa chọn đối tượng phù hợp, đôn đốc thu hồi nợ, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, tăng mức cho vay để giúp các gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động bị thu hồi đất vay vốn./.


 


 

Nhóm PV