Ông Vũ Thế Anh, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết: Trong 8 tháng đầu năm 2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực khai thác nguồn vốn trung ương, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn các chương trình tín dụng chính sách; phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành và các Tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác thực hiện tốt công tác cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Thực tế cho thấy, từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia GQVL, cùng các chương trình giảm nghèo ở địa phương được triển khai nhanh, đồng bộ đã làm cho bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là vùng miền núi, dân tộc thiểu số được triển khai kịp thời, trọng tâm, trọng điểm, thực hiện dân chủ công khai, sát với nhu cầu thực tế của người dân. Các công trình đầu tư hoàn thành khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giải quyết được những khó khăn cho người dân trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Anh Trần Văn Tính đang chăm sóc đàn ong của gia đình


Bên cạnh đó, đơn vị cũng quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất. Trong 9 tháng đầu năm 2023, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các đơn vị tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ Tiết kiệm vay vốn đã thực hiện giải ngân kịp thời cho vay giải quyết việc làm 93.052 tỷ đồng với 1.756 lượt dự án vay vốn; Dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm đến 30/9/2023 là 406.055 tỷ với 8.119 khách hàng còn dư nợ. Ông Vũ Thế Anh thông tin thêm.

Qua đó trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều mô hình nhờ được vay vốn đã vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình anh Trần Văn Tính ở Tổ dân phố Bắc Mục, Thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên được vay 50 triệu đồng để nuôi ong lấy mật; gia đình bà Nguyễn Thị Tâm ở Tổ dân phố Cầu Mới Thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên được vay 100 triệu để nuôi trâu sinh sản, hay như hộ bà Trần Thị Bỏng có địa chỉ tại tổ dân phố Bắc Mục, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên. Bà Bỏng vui mừng nói: Trước đây, gia đình tôi muốn mở rộng diện tích nhà xưởng để sản xuất đồ mộc nhưng muốn làm cũng không có vốn, nhờ được vay 50 triệu bà cùng gia đình đã cải tạo lại nhà xưởng rộng rãi hơn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, qua đó đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Cán bộ tín dụng đi kiểm tra hiệu quả mô hình vay vốn của gia đình bà Trần Thị Bỏng 


Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, nước sạch, vệ sinh môi trường..., hàng trăm tỷ đồng vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Trong quá trình triển khai, cùng với tăng cường tuyên truyền, giải ngân cho các đối tượng vay vốn, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức hội, đoàn thể thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển ngành nghề, từ đó góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.  


CTV