Trước đây, gia đình bà Vì Thị Nhắm, dân tộc Tày, xóm Bao, xã Giáp Đắt thuộc diện hộ nghèo, kinh tế hết sức khó khăn. Đặc biệt, cuối năm 2017, do ảnh hưởng của thiên tai nên gia đình bà buộc phải di rời nhà cửa đến nơi ở mới. Bà Nhắm chia sẻ, kinh tế gia đình vốn đã khó khăn nên khi phải di rời nhà ở, khó lại chồng khó. Đến nơi ở mới mặc dù đã an an toàn về chỗ ở nhưng gia đình bà Nhắm chật vật mưu sinh khi nơi đây khó khăn bộn bề. Đường giao thông khó khăn, điện, nước cũng chưa ổn định. Điều an ủi lớn nhất là chỗ ở mới có núi, đồi là điều kiện thuận lợi để gia đình bà Nhắm phát triển trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc. Trong lúc khó khăn nhất, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình bà Nhắm đã mạnh dạn làm đơn xin vay vốn.

Mô hình nuôi dê sinh sản của gia đình bà Vì Thị Nhắm, xóm Bao, xã Giáp Đắt (Đà Bắc)

 

Nắm bắt được nhu cầu, NHCSXH huyện Đà Bắc đã giải ngân cho gia đình bà Nhắm vay 50 triệu đồng. Bà Nhắm chia sẻ: “Trong lúc khó khăn bộn bề, đây là nguồn vốn rất quan trọng giúp gia đình tôi mua được dê, bò để chăn nuôi. Trong này có đồi rừng nên thuận lợi về bãi chăn thả và thức ăn. Hiện nay gia đình đang tập trung vào nuôi dê vì dê sinh sản nhanh, bán dễ. Từ khi được vay vốn, thu nhập của gia đình được cải thiện, thoát diện hộ nghèo lên hộ cận nghèo”. Như vậy, vốn chính sách đã giúp gia đình bà Nhắm vượt lên giai đoạn khó khăn nhất.

Còn với gia đình ông Đinh Công Son (dân tộc Mường), xóm Săng Bờ, xã Vầy Nưa, đây là nguồn vốn quan trọng để gia đình ông đầu tư và gặt hái những thành quả từ nghề nuôi cá lồng. Theo ông Son chia sẻ, trước đây, kinh tế của gia đình ông phụ thuộc vào làm nương, rẫy, làm vất vả nhưng thành quả đem lại chả là bao, nghèo khó vẫn đeo bám. Sau này, nhận thấy những tiềm năng lớn từ nghề nuôi cá lồng, gia đình ông quyết định “chuyển đổi cơ cấu kinh tế”.  Nhưng khi bắt tay vào làm, ông gặp khó khăn về vốn. Lúc này, ông đã làm thủ tục xin vay vốn để làm lồng cá đầu tiên. Sau một thời gian nuôi thấy hiệu quả,  ông Son tiếp tục vay thêm 70 triệu đồng từ NHCSXH để làm thêm 3 lồng cá. Đến nay, gia đình ông Son không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cả trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng. “Thành quả hôm nay có được có công lớn của vốn vay ưu đãi từ NHCSXH”, ông Son nhấn mạnh.

Đà Bắc là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao. Do đó, nhu cầu được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của người dân còn rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đà Bắc đã nỗ lực huy động nguồn vốn và triển khai kịp thời các chương trình tín dụng.

Đồng chí Nguyễn Bình Nam, Giám đốc NHCSXH huyện Đà Bắc cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thực hiện giải ngân hơn 97 tỷ đồng cho trên 2 nghìn lượt hộ vay. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 565 tỷ đồng, với dư nợ bình quân 55 triệu đồng/khách hàng. Qua rà soát cho thấy, nhu cầu vay vốn của người dân còn rất cao, đơn vị sẽ nỗ lực huy động nguồn vốn, đáp ứng đủ vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả chương trình cho vay vùng đồng bào DTTS và miền núi.


PV