Vượt khó nhờ vốn chính sách

Theo chân cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), chúng tôi đến thăm gia anh Phan Trọng Quốc và chị Trần Thị Mười (trú tại thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà).

Trò chuyện với chúng tôi, anh Quốc nói: “Gia đình tôi không phải là hộ nghèo kinh niên đâu, nếu như gia đình không gặp bạo bệnh thì cũng không đến nỗi như bây giờ. Hai vợ chồng ngoài làm một mẫu ruộng còn đi làm thêm nhiều nghề. Nhưng từ ngày vợ gặp tai nạn đau yếu, kinh tế gia đình sa sút hẳn”.

Giờ đây, cả gia đình bốn người chủ yếu trông chờ vào anh Quốc là lao động chính trong nhà. Khi công việc đồng áng xong xuôi anh Quốc chạy chợ buôn bán kiếm thêm thu nhập hàng ngày và nuôi con ăn học. 

Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát, công việc chạy chợ là nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh Quốc bị ảnh hưởng, khiến cuộc sống cả gia đình gặp vô cùng khó khăn.

Trong lúc bế tắc gia đình tôi được tiếp cận nguồn vốn NHCSXH, sau khi thẩm định hộ gia đình tôi được vay 50 triệu đồng về mua 2 con bò và đầu tư chuồng trại. Đến nay, sau hơn 2 tháng nuôi, bò lớn nhanh, nếu đà này khoảng 2 tháng nữa, hai con bò này đạt trọng lượng bò thương phẩm bán ra thị trường. Vừa rồi thương lái đến thương thảo đặt cọc mua bò rồi”, anh Quốc hồ hởi cho biết.

 Theo chị Phạm Thị Hương - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Yến Giang (xã Hồng Lộc) ghi từ trang đầu đến trang cuối chi tiết từng hộ gia đình “đoạn tuyệt” với cái nghèo nhờ được thụ hưởng từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Chị Hương cho biết: “Hiện Tổ vay vốn thôn Yến Giang có 52 thành viên vay với dư nợ hơn 2 tỷ đồng. Vừa qua sau khi giãn cách xã hội kết thúc, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thông báo bổ sung vốn, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của thôn đã tiến hành họp. Thông qua đó, Tổ nắm bắt nhu cầu vay vốn của người dân và tổ chức bình xét cho vay bảo đảm đúng mục đích, đúng đối tượng, giúp người dân ổn định cuộc sống sau dịch bệnh”.

Người dân huyện Lộc Hà sử dụng nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm phát triển mô hình trồng rau

 

Hàng nghìn người dân được vay vốn phát triển kinh tế

Thực hiện chương trình tín dụng cho vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-Cp ngày 09/7/2015 của Chính phủ, NHCSXHVN tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện các biện pháp.Vốn vay chương trình Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giúp các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đầu tư tập trung vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng đánh bắt thủy sản, trồng rừng, trồng cây cây công nghiệp, cây ăn quả, khôi phục các làng nghề trên địa bàn... nguồn vốn đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hộ gia đình vay vốn, giúp người dân tự tin, mạnh dạn vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và tăng dần vị thế trong xã hội, đồng thời từng bước tiếp cận với cơ chế thị trường. 

Một góc nhỏ mô hình chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Theo ông Hoàng Bá Đồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Tĩnh: “Nhờ tranh thủ tối đa các nguồn vốn, sau 6 năm thực hiện, Ngân hàng đã cho trên 9000 lượt vay, số tiền gần 400 tỷ đồng. Dư nợ đến thời điểm này đạt hơn 200 tỷ đồng với 4.999 khách hàng đang thụ hưởng chính sách tín dụng”.
Bên cạnh với những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 74 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Từ đó, Ngân hàng CSXHVN tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Chính phủ tăng nguồn vốn bổ sung hàng năm để đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giúp các hộ vay có nhu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương để góp phần giúp người dân vượt qua đại dịch./.

 

 

PV