Kịp thời giải ngân vốn
Ngay sau khi nhận được nguồn vốn, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo NHCSXH các huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, chuyển tải nguồn vốn kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn nhằm mang lại hiệu quả; Chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ cho vay và triển khai đầy đủ văn bản chỉ đạo liên quan đến chương trình cho vay giải quyết việc làm đến cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể; qua đó nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phối hợp quản lý, hướng dẫn, thẩm định đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và sử dụng hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng NTM và bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Đến cuối tháng 10/2022 NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay Hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 3.672 khách hàng, số tiền 219.134 triệu đồng. Riêng nguồn từ Quỹ quốc gia về việc làm: Doanh số cho vay đạt 19.734 triệu đồng, có 337 lượt khách hàng. Tổng dư nợ cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 7.057 khách hàng, với số tiền 375.077 triệu đồng, chiếm 7,13%/ tổng dư nợ, hoàn thành 99,22% kế hoạch năm 2022; Riêng nguồn từ Quỹ quốc gia về việc làm: Dư nợ cho vay đạt 70.929 triệu đồng, có 1.509 khách hàng, bình quân khách hàng dư nợ 47 triệu đồng/ khách hàng. 
Nguồn vốn cho vay chủ yếu là đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ khu vực đô thị có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và thu hút nhiều lao động từ cộng đồng.
Một điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ


Nhiều tấm gương tiêu biểu của tỉnh trong sản xuất kinh doanh, chăn nuôi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã xuất hiện. Điển hình như chị Hà Thị Thu Huệ ở Khu Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn vay vốn NHCSXH chương trình giải quyết việc làm đầu tư mua chăn nuôi dê sinh sản, và sửa sang, xây dựng mới chuồng trại, mua thức ăn chăn nuôi. Từ nguồn vốn đã thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, đến nay tổng thu nhập của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình Anh Trần Bá Đức, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cho biết, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, anh Đức được vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP với lãi suất ưu đãi 7,92%/năm, để ổn định hoạt động và mở rộng quy mô trại.
“Theo dự định gia đình tôi trồng 6ha keo và mở rộng khu chăn nuôi, nhưng do thiếu vốn nên mới chỉ trồng được 5ha và đầu tư xây dựng 2 dãy nhà chăn nuôi lợn, gà. Nay được vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ gia đình có cơ hội đầu tư trồng 1 ha keo còn lại trong tổng số 8 ha đất trang trại của gia đình và đầu tư thêm lợn giống…” anh Đức chia sẻ.

Nhờ nguồn vốn chính sách đã giúp gia đình chị Huệ phát triển kinh tế


Đưa nghị quyết vào cuộc sống
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Tĩnh cho biết: hiện nay việc triển khai cho vay, giải ngân nguồn vốn đến với người dân và doanh nghiệp trong tỉnh đang được thực hiện rất thuận lợi, nhờ sự vào cuộc, phối kết hợp rất đồng bộ, nhịp nhàng của chính quyền và các hội đoàn thể cùng Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời “bơm” vốn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau đại dịch COVID-19 ở Phú Thọ. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả tạo ra nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống người dân. Để đáp ứng nguồn vốn vay cho người dân, thời gian tới NHCSXH mong muốn các cấp quan tâm, tạo điều kiện và hàng năm chuyển bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách tỉnh sang NHCSXH để thực hiện cho vay đạt hiệu quả.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ


Còn theo ông Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Phú Thọ: Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước, Hàng năm, căn cứ định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với NHCSXH tỉnh trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đó là: Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người dân về những nội dung của chính sách, những nội dung theo NĐ số 74 sửa đổi về mức vay, thời hạn vay, hồ sơ thủ tục. Tăng cường đề xuất với tỉnh quan tâm bố trí bổ sung nguồn vốn của địa phương, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn ủy thác từ địa phương, nguồn vốn của ngân hàng chính sách và huy động để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn tín dụng tạo việc làm cho người lao động. Chỉ đạo  ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, các cơ quan, tổ chức đoàn thể có liên quan tại địa phương trong việc quản lý quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.


PV