Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã trở thành động lực quan trọng, tiếp sức giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn phường Nghi Thủy làm giàu.
Đến Khối Đông Tiến, phường Nghi Thủy nhắc đến anh Đậu Văn Hiệp không ai không biết, là một điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, chăn nuôi giỏi, sử dụng nguồn vốn chính sách để thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Năm 2010, với ý chí vượt khó làm giàu, anh Hiệp đã bàn với vợ mượn thêm tiền của anh em họ hàng và để đầu tư làm lồng bè, thử nuôi nhỏ lẻ vài ba lồng cá Hồng Mỹ, vừa tận dụng sản phẩm cá tạp do mình đi khai thác, và mua rẻ của các tàu thuyền khác, vừa làm thêm trong thời gian rảnh, để thêm phần kinh tế đỡ đần cho gia đình.
Khu vực nuôi các lồng của gia đình anh Đậu Văn Hiệp, phường Nghi Thủy, Thị xã Cửa Lò
Năm 2018, từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo, anh vay 50 triệu đồng để nuôi các loại cá như cá vược, cá diêu hồng, cá mú… Do nắm bắt được cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên đàn cá tăng trưởng và phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Sau 2 năm khó khăn do đại dịch Covid-19, đầu năm 2022, anh tiếp tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội thêm 50 triệu đồng để đầu tư thêm lồng bè, mua thêm cá giống. Anh Hiệp cho biết, nuôi cá lồng bè 1 năm 1 vụ thu hoạch, năm vừa rồi thuận lợi thu về 10 tấn cá, lãi 300 - 350 triệu đồng/năm. Nếu thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì đây là nghề khá lãi. Tuy nhiên, vốn ban đầu để làm lồng bè, con giống… cao; mỗi hộ đầu tư 10 - 12 ô lồng cũng hết 500 - 700 triệu đồng nên chúng tôi rất mong tiếp tục được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương của mình.
Theo chân cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã Cửa Lò, chúng tôi vào thăm cơ sở chế biến hải sản Lan Thạch của gia đình anh Võ Hồng Thái tại khối 7 phường Nghi Thủy. Sản phẩm nước mắm nhà anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Thái cho biết, sản xuất nước mắm truyền thống đã trở thành "thương hiệu" của người dân làng biển bao đời nay. Nghề cha truyền con nối này đang được người dân bền bỉ gìn giữ. Gia đình anh cũng vậy, nghề làm nước mắm đã theo gia đình hàng bao đời nay, cha truyền con nối, giờ vợ chồng anh cũng theo nghề sản xuất nước mắm. Bởi họ luôn có lòng tin thương hiệu truyền thống cộng với kinh nghiệm làm nghề sẽ cho ra đời sản phẩm nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Mô hình sản xuất nước mắm Ocop 3 sao của gia đình anh Võ Hồng Thái
Anh Thái chia sẻ: “Để làm nên một sản phẩm nước mắm thơm ngon, chất lượng thì khâu chọn lựa nguyên liệu cá tươi ngon và muối sạch vẫn là quan trọng nhất, kế tiếp là quy trình náo đảo nhiều lần. Gia đình tôi trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 3.000 lít nước mắm, chủ yếu phục vụ khách du lịch và khách hàng trong tỉnh. Nhưng 2 năm đại dịch Covid-19, kinh tế gia đình tôi cũng như người dân Nghi Thủy bị ảnh hưởng rất nặng nề. Không có khách du lịch, đồng nghĩa với việc tiêu thụ nước mắm và các sản phẩm chế biến từ hải sản ít đi. Đầu năm 2022, gia đình tôi đã vay của Ngân hàng chính sách xã hội Cửa Lò 100 triệu để mở rộng quy mô sản xuất, với mong muốn quảng bá nhiều hơn nữa sản phẩm nước mắm truyền thống của gia đình đến các địa phương khác trong nước cũng như khách du lịch nước ngoài.
Tính đến ngày 30 tháng 11 năm 2023, Ngân hàng chính sách xã hội thị xã Cửa Lò đã giải ngân cho vay nguồn vốn Giải quyết việc làm theo Nghị định 61, 74/NĐ-CP đạt 74.337 triệu, cho 1.487 hộ vay vốn. Đặc biệt nguồn vốn Nghị Quyết 11/NQ-CP được UBND tỉnh giao đạt 18.000 triệu đồng, cho 347 hộ vay vốn. Nguồn vốn vay này, nhiều hộ gia đình có thêm điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, tạo nhiều việc làm mới, duy trì việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Xác định chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế xã hội và góp phần đảm bảo an sinh trên địa bàn thị xã; Ngân hàng CSXH thị xã luôn chủ động tham mưu với UBND các phường, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách mới liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội để người dân được biết và dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời, hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Ngân hàng CSXH thị xã đã tích cực khai thác nguồn vay từ các kênh Trung ương, UBND tỉnh và nguồn vốn từ ngân sách địa phương đảm bảo cơ bản đầy đủ nguồn vốn theo kế hoạch được giao.
Để mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động trong thời gian tới, ông Lê Quang Trung - Giám đốc NHCSXH thị xã Cửa Lò cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu đề xuất tăng thêm nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Trung ương, kiến nghị UBND thị xã quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Bên cạnh đó, NHCSXH thị xã sẽ chủ động phối hợp với UBND các phường và các tổ chức chính trị - xã hội của thị xã khảo sát các mô hình kinh tế có hiệu quả tiếp tục đầu tư cho người dân mở rộng sản xuất, đồng thời, chỉ đạo hội đoàn thể cấp phường, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi cho người dân, nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay một cách hiệu quả để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn thị xã Cửa Lò./.