Gia đình anh Dương Văn Nhị, thôn Tiến Hoá 1, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang  là một trong những hộ đầu tiên của xã được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Với số tiền vay 100 triệu đồng, gia đình anh Nhị đã sử dụng nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi lợn sinh sản và lợn thương phẩm. Cho đến nay, gia đình anh luôn duy trì chăn nuôi 2 lợn nái sinh sản và trên 100 con thịt/lứa. Chia sẻ với chúng tôi anh Nhị cho biết: Khi được tiếp cận vốn vay đã đưa vào sử dụng hiệu quả, đúng mục đích. Vốn vay được giải ngân nhanh chóng, thuận lợi đã kịp thời giải quyết vấn đề thiếu vốn của hộ gia đình, đầu tư phục hồi kinh tế; giúp gia đình anh  đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi và tiếp tục tăng đàn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Xưởng cơ khí của gia đình anh Lương Ngọc Thanh, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang)
mở rộng quy mô sản xuất từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.
 Ảnh: Quốc Việt 


Với hộ gia đình anh Lương Ngọc Thanh, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc phao cứu sinh giúp gia đình anh vượt lên khó khăn. Trước năm 2018, vợ chồng anh mở xưởng sản xuất cơ khí, khung nhôm cửa kính. Do nguồn vốn tích lũy có hạn, số tiền đầu tư máy móc để sản xuất lớn, cho nên không có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất. Thông qua vốn ủy thác của Đoàn thanh niên gia đình anh vay 50 triệu đồng để đầu tư mua máy móc, trang thiết bị. Với bản chất cần cù, chịu khó và sáng tạo, anh Thanh đã nhanh chóng tạo được niềm tin của khách hàng. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Anh Thanh cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất cho gia đình, giúp mở rộng sản xuất và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu.

Đồng chí Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2022, NHCSXH tỉnh đã thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nhận ủy thác. Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên được củng cố, kiện toàn và đi vào nề nếp. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; vận động tổ viên tham gia và chấp hành quy ước hoạt động của Tổ, quy định của NHCSXH, như: Chấp hành trả gốc, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm, giúp đỡ các tổ viên khác khi gặp khó khăn chưa trả được nợ; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn; kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội cấp dưới, của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn; phối hợp với NHCSXH giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong quá trình cho vay, kịp thời xử lý, đôn đốc thu hồi nợ gốc, nợ lãi nhất là nợ quá hạn tồn đọng lâu ngày....

Ngoài cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, NHCSXH tỉnh cũng đã thực hiện các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đến các đối tượng thụ hưởng như: Cho vay nhà ở xã hội 10.343 triệu đồng; Cho vay đối với HSSV để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến: 3.940 triệu đồng, với 387 lượt HSSV được các hộ gia đình đúng đối tượng vay vốn để mua thiết bị học tập trực tuyến; Cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch với 9 lượt khách hàng, 820 triệu đồng; Cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2030.

Việc thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm giúp hàng nghìn
lao động có việc làm


Trong 9 tháng đầu năm 2022, chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp tốt với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của ngành, Nghị quyết của Hội đồng quản trị, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện tốt công tác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn để chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế và an sinh xã hội và mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến ngày 30/9/2022 dư nợ chung cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 284,4 tỷ đồng/ 6.006 khách hàng; doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm là 170 tỷ đồng với 3.294 lượt khách hàng được vay vốn.

Việc thực hiện có hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm giúp hàng nghìn lao động có việc làm, hỗ trợ nhiều cơ sở mở rộng mô hình sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến nay trên địa bàn đã có hàng nghìn hộ vay vốn và sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Đ/c Thế Anh khẳng định.

Thời gian tới, để nguồn vốn tiếp tục sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục bám sát các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hướng đầu tư tín dụng vào các mô hình, dự án mang tính xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

 

 

PV